Top

Kinh doanh bất động sản: Vướng từ luật

Cập nhật 30/09/2014 15:41

Kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn chưa có nhiều khởi sắc, trong khi những quy định của Luật Kinh doanh BĐS lại chưa sát với thực tế đã gây nhiều khó khăn cho các DN BĐS tại TP. Hồ Chí Minh.

Luật Kinh doanh bất động sản không cho chuyển một phần dự án

Ký quỹ cần có lộ trình

Từ tháng 7/2014, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành quy định buộc chủ đầu tư phải ký quỹ trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư BĐS. Quy định này đang khiến các DN BĐS vô cùng hoang mang. Ông Nguyễn Văn Đực- Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành - cho biết, các DN kinh doanh BĐS vẫn đang trong thời kỳ khó khăn nên việc các chủ đầu tư phải ký quỹ trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư BĐS là không hợp lý.

Theo ông Đực, quy định này không chỉ lĩnh vực kinh doanh nhà ở, văn phòng cho thuê mà ngay cả ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng phải áp dụng. Điều đáng nói là dự án có vốn càng cao thì ký quỹ sẽ càng lớn, kèm theo bảng cam kết tiến độ thực hiện dự án hết sức rõ ràng. Nếu dự án nào không triển khai đúng tiến độ sẽ bị mất tiền ký quỹ và buộc chủ đầu tư trả lại giấy chứng nhận đầu tư để thành phố kêu gọi nhà đầu tư khác. "Trong khi BĐS không bán được, DN không có tiền nên nếu phải ký quỹ thì sẽ phải vay tiếp, dẫn đến việc nợ chồng nợ" - ông Đực cho biết.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) - cho rằng, việc ký Quỹ BĐS là bắt buộc để các DN phải có trách nhiệm hơn khi đầu tư vào dự án BĐS. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn còn khó khăn như hiện nay sẽ là một đòn “chí mạng” với các DN. Theo ông Châu, ký quỹ đồng nghĩa với việc DN lại phải vay nợ. Ngoài ra, quy định này vô hình trung còn khiến giá BĐS tăng lên chứ không giảm xuống như kỳ vọng của các bộ, ngành. Vì vậy, cần phải có lộ trình để phù hợp với thực tế còn rất nhiều khó khăn của DN kinh doanh BĐS hiện nay.

HoREA vừa gửi công văn góp ý kiến cho dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) kiến nghị: Không áp dụng ký quỹ với các dự án đã xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Phải quy định rõ tiền ký quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm trên mức đầu tư nào của dự án. Cho phép ủy quyền cho bên tham gia liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, góp vốn ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, mua bất động sản, bởi lẽ quyền ủy quyền phù hợp với quy định của pháp luật dân sự.
 

Khó chuyển nhượng dự án

Kinh doanh gặp khó, nhiều chủ đầu tư BĐS tính đến việc chuyển nhượng lại dự án cho đối tác khác để tìm vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng lại vướng phải rào cản từ Luật Kinh doanh BĐS.

Theo Công ty TNHH Kim Điền (quận 2), công ty này từng dự định chuyển nhượng một phần dự án cho đối tác mới để có thêm nguồn lực tài chính hoàn tất dự án, nhưng sự việc không thành vì vướng Luật Kinh doanh BĐS. Bởi Luật quy định chỉ cho chuyển nhượng toàn bộ dự án, chứ không được chuyển nhượng một phần dự án.

Trong khi đó, theo phân tích của HoREA, kinh doanh BĐS là một chuỗi các hoạt động đầu tư theo nhiều giai đoạn, từ bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc theo quy hoạch thiết kế được duyệt... Do đó, cần tôn trọng quyền và ý chí của chủ đầu tư dự án, cho phép họ có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án ở bất kỳ giai đoạn đầu tư nào, theo nhu cầu đầu tư kinh doanh của DN, nhưng phải đăng ký chuyển nhượng với cơ quan có thẩm quyền và nộp thuế theo quy định.


DiaOcOnline.vn - Theo Công thương