Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã chỉ rõ: Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo đình hoãn, ngừng triển khai, dãn tiến độ các dự án (DA) để thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, song số vốn đầu tư cho các công trình, dự án thực tế không giảm, trong khi đó bội chi vẫn gia tăng, đồng vốn nhà nước đầu tư cho các công trình DA cho thấy hiệu quả chưa thực sự rõ nét.
Dự án cắt giảm - thực tế không giảm
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tổng số các công trình, DA sử dụng ngân sách Nhà nước phải hoãn khởi công mới, ngừng triển khai và dãn tiến độ thực hiện trong năm 2008 là 1.968 DA, tương đương 5.992 tỉ đồng, bằng 8% kế hoạch năm 2008. Trong đó, số DA hoãn khởi công, ngừng triển khai và dãn tiến độ thực hiện là 765 DA với 4.111 tỉ đồng.
Ở các địa phương, đã có 1.884 DA được điều chỉnh tương ứng với số vốn là 5.662 tỉ đồng, chiếm 9,1% tổng số vốn giao kế hoạch đầu năm của các địa phương. Kiểm tra ở 15 tập đoàn, Tổng Cty nhà nước, số DA đã cắt giảm, hoãn khởi công và giãn tiến độ là 1.003 DA với tổng giá trị vốn đầu tư là 29.366 tỉ đồng, giảm 12,05% về giá trị so sánh kế hoạch ban đầu.
Tuy nhiên, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng: Số đầu tư cho các công trình DA thực tế không giảm do toàn bộ kinh phí tiết kiệm được từ việc ngừng triển khai và dãn tiến độ các công trình, DA được tập trung đầu tư cho các DA, công trình khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KHĐT) - ông Bùi Hà - khẳng định: Chính phủ cũng không yêu cầu giảm tổng mức đầu tư đã phân bổ cho các địa phương, mà chỉ yêu cầu địa phương phải phân bổ nguồn vốn hợp lý, kiên quyết đình hoãn, dãn tiến độ các DA đầu tư không hiệu quả để tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, DA đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm, đặc biệt hạn chế khởi công mới các DA.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ KHĐT đã thống kê có tới 552 DA (tương đương 1.660 tỉ đồng) quá 4 năm (DA nhóm B) và quá 2 năm (DA nhóm C) - theo quy định đã quá thời hạn đầu tư - nhưng vẫn có trong danh sách được địa phương phân bổ vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách. Ngoài ra, còn có 77 DA khác với tổng số vốn 308,5 tỉ đồng, được phân bổ khi chưa đủ thủ tục.
Một số bộ, ngành có số vốn kế hoạch năm 2008 lớn, nhưng sau khi rà soát theo quyết định của Thủ tướng không giảm được công trình DA nào. Trong khi kế hoạch cắt giảm chỉ là 5.992 tỉ đồng, thì theo báo cáo của UB Tài chính - ngân sách thực tế số chi đầu tư đã tăng 18.270 tỉ so với dự toán năm 2008.
2009: Không bố trí vốn cho các DA mới
Theo đánh giá của Bộ KHĐT, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển sẽ là 118.800 tỉ đồng (con số này của năm 2008 là 99.730 tỉ đồng), chiếm 16,4% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, ngân sách do trung ương quản lý là 67.300 tỉ đồng, tăng 20,9% so với dự toán năm 2008; vốn phân bổ do địa phương quản lý là 51.500 tỉ đồng, tăng 16%.
Tuy nhiên, nếu tính tỉ trọng nguồn vốn so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội thì mức chi đầu tư phát triển này thấp hơn nhiều những năm trước (năm 2007 chiếm 22% và năm 2008 chiếm 20,3%). Theo Bộ KHĐT, nếu tính đến các yếu tố trượt giá của năm 2008 thì nguồn ngân sách năm 2009 chỉ bố trí cho các công trình chuyển tiếp, các công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá các yếu tố đầu vào, mà không có bố trí vốn cho các công trình khởi công mới.
Theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Việc bố trí vốn cần rà soát, phân bổ chi tiết, không bố trí vốn cho các nhiệm vụ khi chưa có danh mục cụ thể hoặc các mục chi "chờ" chính sách. Đối với khoản hỗ trợ các tập đoàn, Tổng Cty nhà nước (10.641 tỉ đồng, tăng 7% so với dự toán năm 2008), trong đó, có khoản đầu tư trở lại cho ngành dầu khí 9.000 tỉ đồng, ủy ban cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để phần đầu tư trở lại của ngân sách đảm bảo hiệu quả....
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: