Thị trường bất động sản (BĐS) 2014 sẽ diễn biến như thế nào vẫn là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, với những yếu tố, sự xoay chiều biến động ở tất cả các phân khúc trong năm 2013 vừa qua, nhiều nhận định táo bạo về thị trường trong năm 2014 cũng đã được nhắc tới.
Bất động sản lên từ nhà giá thấp
Nhìn vào sự biến đổi của thị trường bất động sản năm 2013, nhất là sự tiến triển tích cực ở những tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục, ấm dần lên.
Đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm 2014, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Cơ cấu hàng hóa sẽ thiên về các căn hộ có quy mô nhỏ và trung bình, lôi kéo được sự quan tâm trở lại của người mua có nhu cầu thật. Sẽ ổn định về mặt giá cả, tăng dần về số lượng giao dịch nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ, trung bình sẽ là yếu tố chủ đạo dẫn dắt và có tác động lan tỏa sang các phân khúc khác".
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Đất Xanh cũng khẳng định: "Những khó khăn này sẽ tiếp diễn trong năm 2014 nhưng mức độ sẽ giảm đi 60% - 70% khi mà thị trường bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự hồi phục. Đặc biệt nguồn cung tiền bắt đầu khôi phục, các ngân hàng đã quay trở lại cho khách hàng vay mua nhà, quay trở lại cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư vay để thực hiện dự án".
Thị trường xuất hiện điểm sáng mới
Đánh giá về phân khúc "vàng" trong năm 2014, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Vietnam cho biết, BĐS công nghiệp sẽ là mảng sáng nhất trong năm 2014. Theo ông Richard Leech , năm 2014 nguồn cung phân khúc này khá dồi dào. Chủ đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn về thuê đất, chế độ ưu đãi. Nhờ đó giá thuê cũng sẽ được giữ ở mức ổn định. Với chuỗi cung ứng sẵn có, cơ sở hạ tầng tốt, có hệ thống sân bay, hải cảng, miền Bắc hứa hẹn sẽ tiếp tục là nơi thu hút các nhà đầu tư.
Việt Nam có 185 khu công nghiệp đang hoạt động và 104 khu công nghiệp đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Theo ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Nam Đình Vũ tại Hải Phòng: "Chúng tôi rất lạc quan vào khả năng kinh doanh trong thời gian tới khi xu hướng FDI trong lĩnh vực sản xuất vào Việt Nam ngày càng tăng. Trong thời gian tới, sự cạnh tranh giữa các công ty phát triển hạ tầng công nghiệp sẽnhưng cơ hội kinh doanh vẫn còn rất lớn".
Hàng tồn kho vẫn là mối lo của thị trường
Tuy năm 2013 có nhiều chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản, nhưng xu hướng này vẫn còn đó những khó khăn trong năm 2014 chưa lường trước được như tồn kho bất động sản còn lớn, nợ xấu chưa được giải quyết,…
Hàng tồn kho và nợ xấu sẽ vẫn là điểm nóng khi có tới 70% số lượng nợ xấu trên thị trường liên quan đến bất động sản. Đến nay, con số tồn kho được Bộ Xây dựng đưa ra là 102.000 tỷ đồng. Khoảng trên 23.000 căn hộ, 15.000 căn nhà thấp tầng và khoảng 10,6 triệu m2 nền đất nhà ở, 2 triệu m2 đất thương mại,… vẫn còn “ế” tại hai thành phố lớn.
Trong khi đó tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chậm, sự ì ạch trong việc giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ của Chính phủ khiến dòng vốn này chưa thực sự tác động mạnh đến thị trường như kỳ vọng ban đầu của người mua nhà. Tính đến cuối năm nay, sau 6 tháng giải ngân chỉ có 2,5% tương đương với 758,1 tỷ đồng được giải ngân, một con số quá nhỏ so với quy mô thị trường.
Báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng chỉ ra rằng, VAMC cũng mới mua được hơn 36 nghìn tỷ nợ xấu, trong khi đó tổng nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 10/2013 con số vẫn rất lớn khoảng 316.800 tỷ đồng.
Cuộc chiến tồn tại của các doanh nghiệp BĐS
Năm 2013 có thể nói là năm cám cảnh nhất đối với thị trường BĐS - xây dựng. Trong khi doanh nghiệp địa ốc vừa và nhỏ “lầm lũi” chết hàng loạt thì những “đại gia” còn tồn tại cũng đang “ôm” những món nợchính các dự án hoành tráng. Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy trong năm 2013, tổng số các doanh nghiệp xây dựng ngừng hoạt động hoặc giải thể là 10.077 doanh nghiệp.
"Nếu như những năm 2011 - 2012, thị trường bất động sản đã khiến các doanh nghiệp yếu kém rời khỏi cuộc chơi thì năm 2013, thêm một lớp chủ đầu tư hạng trung “ra đi”. Sang năm 2014 này, cuộc cạnh tranh “tồn tại hay không tồn tại” cũng không kém phần khắc nghiệt", ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Phát triển nhà Thủ Đức cho biết.
Cùng quan điểm với ông Hiếu, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cũng khẳng định: "Thị trường bất động sản năm 2014 sẽ rất khó khăn và khốc liệt. Sẽ có sự đào thải lớn trong ngành bất động sản. Doanh nghiệp nào bán được nhà may ra sẽ có cơ hội sống sót, còn nếu không sẽ chết. Và tất nhiên, phân khúc cao cấp sẽ diễn ra đổ vỡ nhanh và mạnh...Phân khúc nhà ở trung bình cũng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt".
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: