Top

Khu Y tế kỹ thuật cao TPHCM: Ca sinh khó!

Cập nhật 10/09/2007 09:00

Sau gần 10 năm trầy trật triển khai, kéo dài suốt ba đời chủ tịch UBND TPHCM, khu y tế kỹ thuật cao TPHCM sắp phải làm lại từ đầu!

Thông tin mới nhất từ UBND TPHCM cho biết, lãnh đạo TP đã quyết định thay đổi chủ trương đầu tư đối với khu y tế kỹ thuật cao (YTKTC) tại quận Bình Tân.

Theo đó, Tập đoàn Shangri- La Health Care Investment Co. Ltd của Singapore gần như chính thức được chọn làm nhà đầu tư cho toàn bộ dự án này.

10 năm được một chút này..
.

Có lẽ không quá đáng nếu ví quãng thời gian gần 10 năm trầy trật triển khai - từ năm 1999 và kéo dài suốt 3 đời chủ tịch UBND TP - của khu YTKTC như một ca sinh khó. Theo các chuyên gia trong ngành y tế, việc dành trọn một khu đất rộng hơn 44 ha với 256 tỉ đồng dành cho hạ tầng ngay trong nội thành để đầu tư khu YTKTC đã thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Lúc ấy, Công ty Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh được giao trọng trách bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng giao thông cho dự án này. Tuy nhiên, việc triển khai dự án đã sớm rơi vào tình thế “khởi đầu nan” khi người dân liên tục khiếu nại về giá bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Đến giữa năm 2002, UBND TP đã chấp thuận tính lại giá đền bù thỏa đáng hơn cho người dân.

Tiến độ triển khai dự án chậm khiến đã có lúc xảy ra tình trạng giải tỏa đến đâu là... bị tái lấn chiếm, xây dựng trái phép đến đó. Tình hình căng thẳng đến mức tháng 8-2002, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài đã phải chỉ đạo Công an TP vào cuộc để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư trong vòng 3 tháng phải san lấp mặt bằng, phê duyệt thiết kế và vận động các đơn vị tham gia đầu tư phủ kín diện tích.

Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP ngày 8-6-2006, ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết đã có 8 bệnh viện được chấp thuận đầu tư xây dựng cơ sở chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao tại đây nhưng chưa triển khai được vì phải chờ vốn. Và cho đến nay, ngoài công trình do Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic (gọi tắt là Medic) triển khai xây dựng, khu vực này chẳng khác một đồng cỏ.

Đầu tư kỹ thuật cao bằng... quản lý thấp

Lẽ ra, khu YTKTC đã không rơi vào tình cảnh như hiện nay nếu lãnh đạo TP sớm nhận ra lỗ hổng về quản lý đối với dự án có vai trò đặc biệt quan trọng này. Ngay từ việc giao Công ty Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư để thực hiện bồi thường giải tỏa, xây dựng hạ tầng đã là “lấy thúng úp voi”. Bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Medic, cho biết hồi còn làm Chủ tịch UBND TP, ông Võ Viết Thanh đã lường trước khó khăn nên có chủ trương giải tỏa đến đâu, kêu gọi đầu tư xây dựng đến đó.

Nhưng sau này TP lại có chủ trương khác là tổ chức theo mô hình tổng thể như một khu liên hợp các bệnh viện kỹ thuật cao nên phải duyệt lại quy hoạch. Song, cái quan trọng nhất là bộ máy, cơ chế quản lý khu YTKTC này lại không được TP quan tâm đúng mức, nếu không nói là bỏ trắng. Sở Y tế chỉ quản lý về chuyên môn trong khi Công ty Dịch vụ công ích Bình Chánh lại không có thẩm quyền “bấm nút” cho 8 bệnh viện khởi động các dự án đầu tư.

Mãi đến cuối năm 2005, UBND TP mới đặc cách cho Medic triển khai dự án. Dù “bật đèn xanh” nhưng TP vẫn chưa chịu thành lập bộ máy quản lý khu YTKTC để làm đầu tàu điều phối công việc và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư. Đơn cử là dự án của Medic, đến nay Medic đã đầu tư gần 6 triệu USD cho khu xạ trị ung thư hiện đại nhất VN và dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay nhưng gần như bị cô lập vì hệ thống nước thải không có, hệ thống điện chưa được vận hành và mạng thông tin liên lạc chưa được kết nối. Có lẽ vì điều này mà một nhà đầu tư khác là Bệnh viện Phỏng và Tạo hình Kỹ thuật cao (thuộc Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cũng đã chính thức từ bỏ dự án.

Vấn đề quản lý mới được lãnh đạo TP chính thức quan tâm gần đây, cụ thể là từ tháng 4-2007 với việc thành lập Ban Quản lý dự án khu YTKTC để bắt đầu việc xây dựng tiêu chí xét chọn nhà đầu tư. Song, như đã nói trên, lãnh đạo TP mới đây lại thay đổi chủ trương theo hướng mời gọi tập đoàn nước ngoài đầu tư. Cuộc “vượt cạn” của khu YTKTC xem ra “đuôi vẫn chưa lọt” vì sắp phải làm lại từ đầu!

 

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic:

Nếu có thêm sự thay đổi, thiệt hại sẽ không tính được

 Phóng viên: Việc TP thay đổi chủ trương đầu tư có ảnh hưởng gì đến kế hoạch đưa vào vận hành khu điều trị gia tốc vòng của Medic cuối năm nay tại khu YTKTC?

  - Bác sĩ Phan Thanh Hải: Tôi chưa nhận được văn bản chính thức của UBND TP nhưng mới đây Sở Kế hoạch- Đầu tư có đề nghị gặp tôi để bàn về việc này. Thật sự là tôi rất lo bởi chúng tôi đã đầu tư vào đây gần 6 triệu USD và chuẩn bị xong nhân sự để cuối năm là đưa vào hoạt động. Do hạ tầng không hoàn chỉnh nên dự án của chúng tôi đã chậm đến 9 tháng và chỉ riêng chi phí vận hành, bảo dưỡng mỗi ngày đã mất 5 triệu đồng. Và nếu phải có thêm sự thay đổi thì thiệt hại sẽ không tính được.

  Ông có thể cho biết cụ thể hơn?


- Chúng tôi đã lắp đặt máy PET (phát xạ Positron) là phương tiện chẩn đoán và điều trị ung thư hiện đại nhất Việt Nam giúp người bệnh không phải sang tận Singapore để điều trị nữa. Hiện chi phí điều trị tại Singapore khoảng 3.500 USD/ca, nếu điều trị trong nước người bệnh tiết kiệm được 50%. Vì vậy, nếu đưa khu điều trị này vào vận hành sớm chừng nào thì đỡ tốn kém cho người bệnh chừng đó.

  Quan điểm của ông như thế nào nếu dự án buộc phải ngừng lại?


- Ngày 29-8 vừa rồi, tôi đã có văn bản gửi lãnh đạo TP và Sở Y tế nêu ý kiến của Medic là mong muốn tiếp tục đầu tư xây Bệnh viện Medic Bình Tân tại khu đất 5 ha được giao tại khu YTKTC. Chúng tôi đã theo đuổi 10 năm và đã hứa với người dân là cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động khu điều trị hiện đại ngang tầm khu vực.

  Nếu Medic được hoán đổi một vị trí khác và bồi thường để đầu tư lại?


- Nếu có khả năng đó và TP có một địa điểm để chúng tôi chuyển qua và vận hành ngay vào cuối năm nay thì không thành vấn đề. Còn nếu hoán đổi để chúng tôi phải xây lại thì không ổn. Tài sản đầu tư vào đó có thể bồi thường, nhưng công sức, thời gian đeo đuổi gần 10 năm qua của chúng tôi và sự chờ đợi của người bệnh thì làm sao bù đắp được. Chưa kể, nếu không đưa vào vận hành đúng như đã hứa thì khác gì chúng tôi lừa người bệnh, mà Medic không muốn thất tín.- Nguyễn Triều thực hiện


Theo Người Lao Động