Top

Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM: Chậm do thủ tục

Cập nhật 04/11/2009 14:40

Dù có nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng đến nay mới có ba nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư và một doanh nghiệp đã hoạt động tại khu nông nghiệp công nghệ cao. Lý do là thủ tục cấp phép quá phức tạp.

Ngày 30-10 phóng viên đã đến khu đất quy hoạch xây dựng dự án khu nông nghiệp công nghệ cao nằm tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Tại đây, ngoài phần đất bỏ hoang còn có một diện tích đất khá lớn đang trồng cà tím, ớt, mướp, dọc mùng, đậu bắp... theo phương thức truyền thống, có nơi còn trồng cỏ làm thức ăn cho bò sữa...
 

Đất bỏ hoang, công nhân tranh thủ nuôi vịt trong khu nông nghiệp công nghệ cao-Ảnh: Bạch Hoàn


Đất chờ nhà đầu tư


Chị Thạch Thị La (quê ở Trà Vinh) cho biết đã vào làm tại khu nông nghiệp công nghệ cao được khoảng ba năm. Công việc chính của chị là trông nom, chăm sóc, thu hoạch các loại cây trồng. Hầu hết đều thu hoạch ở dạng rau, củ quả tiêu thụ hằng ngày, chỉ một số ít trồng để lấy hạt giống. Cùng làm với chị còn có gần 60 công nhân khác. Theo chị La, đây là đất thuê lại của ban quản lý khu công nghệ cao để trồng cây, trong thời điểm nhà kính chưa được xây dựng.

Khu nông nghiệp công nghệ cao được phê duyệt từ tháng 7-2004. Ngay từ đầu dự án đã gặp không ít khó khăn do đây là mô hình mới được thực hiện tại Việt Nam. Hàng loạt vấn đề như mô hình, hình thức quản lý, quy mô dự án, mục tiêu hoạt động, các hạng mục công trình... đều phải đem ra bàn thảo tại hàng chục cuộc hội thảo, kéo dài hàng năm trời. Chỉ riêng vấn đề xác định hình thức quản lý cũng mất gần... ba năm tranh luận mới đi đến thống nhất.

Sau ba năm kể từ khi được phê duyệt, năm 2007 toàn bộ khu đất mới có một hạng mục duy nhất được xây dựng là hệ thống tường rào bao quanh. Giữa tháng 4-2007, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín đã chỉ đạo yêu cầu Sở KH-ĐT, Sở NN&PTNT TP làm việc với ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao làm rõ việc để hoang đất, đồng thời đưa ra hướng khắc phục.

Đến tháng 9-2009, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư đầu tiên là Công ty CP phát triển và đầu tư Nhiệt Đới, với diện tích trên 20,4ha, tổng vốn đầu tư 162,4 tỉ đồng, thời gian hoạt động 30 năm. Lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất các loại giống cây trồng, đặc biệt là các giống cây ngắn ngày.

Cấp phép còn nhiêu khê

Thêm 300ha đất cho khu nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 3-11, Sở NN & PTNT TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Góp ý đề án mở rộng khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM” nhằm đưa ra các giải pháp cho việc mở rộng dự án nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của UBND TP.

Dự kiến trong thời gian tới TP.HCM sẽ dành thêm khoảng 300ha đất nữa để xây dựng 2-3 khu nông nghiệp công nghệ cao mới tại một số xã trên địa bàn huyện Củ Chi.

Theo ông Phạm Hữu Nhượng, do diện tích dự án khu nông nghiệp công nghệ cao hiện tại đã được các nhà đầu tư đăng ký hết trong khi vẫn có nhà đầu tư tiếp tục đăng ký. Ngoài ra, theo quy định mới sẽ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này nên sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới.

Theo ông Huỳnh Văn Thành - trưởng phòng kế hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao, hiện ban quản lý đã chọn được 10 nhà đầu tư (tổng vốn 309,5 tỉ đồng, chiếm gần 90% diện tích) cho khu vực này. Ban quản lý đã chuyển tám hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận đầu tư qua Sở KH-ĐT và hiện có ba doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy vậy, hạ tầng hiện có của khu nông nghiệp công nghệ cao vẫn chỉ là khu tường rào bao quanh, những con đường gồ ghề đang làm dang dở, một vài khu nhà kính (tổng diện tích khoảng 2.000m2) của khu nông nghiệp công nghệ cao.

Theo người phụ trách xây dựng hạ tầng của một doanh nghiệp mới được cấp phép đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao, do chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận đầu tư nên việc xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất bị chậm lại đáng kể. Anh này cho biết 17 container các loại vật liệu làm nhà kính như: khung nhà, kính, sắt... nhập từ Thụy Điển đã hơn hai tháng nhưng vẫn đang nằm ngoài cảng.

Ông Phạm Hữu Nhượng, phó trưởng ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao, cho biết có nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, chủ yếu là việc cấp giấy phép do Sở KH-ĐT quá thận trọng. Theo ông Nhượng, những dự án vào đây thuộc dạng đặc biệt khuyến khích đầu tư.

Tuy nhiên, việc thẩm định năng lực tài chính đang làm khó các nhà đầu tư. Như Công ty Nhiệt Đới, khi thẩm định Sở KH-ĐT cho rằng doanh nghiệp không đủ năng lực về tài chính. Vì dự án đầu tư trên 160 tỉ đồng, trong khi công ty mới thành lập, vốn và quy mô hoạt động chưa thể hiện hết.

Do đó, Sở KH-ĐT yêu cầu đơn vị này phải có bảo lãnh ngân hàng và đề nghị rút ngắn thời gian cho thuê đất (thay vì 49-50 năm), trong khi công ty đã đầu tư 20-30 tỉ đồng. Những dự án đầu tư khác cũng đều vướng phải thủ tục này.

Ngoài ra, căn cứ xác định thời gian hoạt động của từng dự án không có sự thống nhất giữa ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao với Sở KH-ĐT. Theo phía ban quản lý, thời gian hoạt động phải tùy theo suất đầu tư và công nghệ trong từng dự án, có tính đến công nghệ phải cập nhật và thường xuyên đầu tư bổ sung hoặc đổi mới. Trong khi Sở KH-ĐT lại căn cứ vào thời gian khấu hao để xác định thời gian được phép hoạt động của dự án.

Do những vướng mắc nên một số nhà đầu tư không yên tâm với chính sách thu hút đầu tư của khu nông nghiệp công nghệ cao. Đã có một nhà đầu tư xin rút dự án và theo đánh giá của ban quản lý dự án, khó có thể lấp đầy khu vực này khi tổ chức lễ khánh thành vào dịp lễ 30-4-2010 theo chỉ đạo của UBND TP. HCM.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO