Top

Khu đô thị - đại học quốc tế 3,5 tỷ USD đang chờ phép

Cập nhật 17/09/2007 13:00

Công ty Berjaya Land Berhad thuộc Tập đoàn Berjaya Berhad của Malaysia đã ký thỏa thuận với Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc Tp.HCM về việc lập dự án đầu tư Khu đô thị - đại học quốc tế, với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến 3,5 tỷ USD.

Những thông tin trên cho thấy không cần chờ đến tháng 1/2009 là thời điểm mà các trường đại học nước ngoài chính thức được lập chi nhánh tại nước ta theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà hiện nay đã có một số tập đoàn lớn đang tiến hành khảo sát về thị trường giáo dục và khả năng đầu tư vào những ngành học đang thu hút nhu cầu của người học trong nước. Dự án trên của Malaysia cũng phát ra một tín hiệu khá rõ rệt về làn sóng cạnh tranh trong hoạt động đào tạo đang dâng lên từ phía nước ngoài.

Cho tới nay tại Tp.HCM mới chỉ có RMIT là trường duy nhất của nước ngoài đào tạo bậc đại học. Con số sinh viên theo học tại trường này tuy mới chỉ khoảng trên 2.000, nhưng đa số đều có học lực khá. Với chương trình giảng dạy tiên tiến cùng những công nghệ đào tạo khá mới mẻ, trong mấy năm gần đây, RMIT đã phần nào chứng minh cho quan điểm đào tạo lấy sinh viên làm trọng tâm, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, với kết quả khả quan là phần lớn sinh viên năm cuối của trường đại học này có triển vọng được tiếp nhận vào các doanh nghiệp với mức lương khá ngay từ khi chưa tốt nghiệp.

Xét về góc độ cạnh tranh, tất nhiên không thể so sánh giữa số lượng sinh viên ở đầu vào tại Đại học RMIT với vài ba chục ngàn sinh viên đầu vào tại một số trường đại học công lập và tư thục tại Tp.HCM. Thế nhưng một chi tiết đáng ghi nhận là trường đại học nước ngoài này đang “hút” chất xám ngay từ đầu vào - điều mà ít trường đại học của Việt Nam làm được. Cũng bởi thế, mặc dù chi phí học tập của RMIT gấp đến hàng chục lần mức học phí bình quân của trường trong nước, nhưng xem ra nhu cầu người theo học trường này vẫn không hề giảm đi.

Trong khi đó, dự án của Malaysia dự kiến có diện tích xây dựng đến 880 ha, nằm trong Khu đô thị Tây Bắc. Theo thiết kế ban đầu, giáo dục đại học chỉ là một trong bốn khu chức năng (cùng với các khu đô thị kế cận, trung tâm dịch vụ tổng hợp, khu công viên cây xanh và phúc lợi công cộng). Như vậy, 3 trường đại học trong khu giáo dục đại học sẽ liên kết với 6 khu dân cư, trung tâm hội nghị, căn hộ biệt lập, khu vui chơi giải trí, mua sắm, văn phòng làm việc.

Riêng về mặt đào tạo, mục tiêu của dự án này là thành lập một khu đại học đẳng cấp quốc tế, một thư viện chung, một trung tâm khoa học và một trung tâm công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu của sinh viên, các nhà chuyên môn và cư dân sống và làm việc trong khu đô thị Tây Bắc và các vùng lân cận.

Như vậy, khác với trường đại học RMIT, dự án của Malaysia có quy mô lớn hơn nhiều, mang tính chất cụm trường đại học và liên hoàn với các cụm dân cư, thu hút một số lượng lớn sinh viên và giáo viên. Những trường đại học nước ngoài dự kiến được thành lập trong dự án này cũng có thể mở ra cơ hội liên kết với các trường đại học của Tp.HCM về nhiều mặt như liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học...

Tuy vậy, đó mới chỉ là triển vọng dự kiến, còn trước mắt dự án này phải giải đáp được một số câu hỏi cơ bản: đối tác nước ngoài liệu có bảo đảm được nguồn tài chính quá lớn? Đối tác nước ngoài ưu tiên về mục tiêu xây dựng khu thương mại và bất động sản hay mục tiêu trường đại học? Đối tác này từng có lịch sử chuyên môn về giáo dục không? Thế nào là đẳng cấp quốc tế tại 3 trường đại học dự kiến? Dự án này có liên kết với những đại học có uy tín nào của Malaysia và các nước khác? Tính chất cụm đại học bổ sung, tương hỗ cho nhau như thế nào?

Nhưng dù gì, dự án trên của Malaysia nếu được cấp phép cũng sẽ đương nhiên trở thành một đối trọng cạnh tranh, mà trong giai đoạn đầu là đối với những trường đại học trong nước dự kiến sẽ được thành lập tại địa bàn Củ Chi. Và nếu không đưa ra được yếu tố nào mới hơn, những trường đại học trong nước này cũng sẽ chỉ giống như đa số trường đại học dân lập và tư thục đã hoạt động, nghĩa là bị hạn chế đáng kể về vốn hoạt động và cơ sở vật chất (thường chỉ khoảng 30-50 tỷ đồng).

Mặt khác, chưa xét đến công nghệ đào tạo thì chương trình đào tạo của những trường này đa phần đều đã lạc hậu (tỷ lệ cải tiến chỉ khoảng 10-15%), mặc dù nhắm đến một số ngành đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội như Quản trị kinh doanh, Tài chính, Du lịch, kể cả mang tính “thời thượng” như Quan hệ công chúng hay Thị trường chứng khoán, nhưng đến khi triển khai thực hiện mới bộc lộ lỗ hổng rất lớn về nhân lực: đa số các trường đều không thể huy động đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ và kinh nghiệm (chỉ đáp ứng khoảng trên 20% so với yêu cầu tối thiểu 30% của Bộ Giáo dục - Đào tạo), mà thường phải “vay mượn” từ giảng viên thỉnh giảng ngoài trường mình.

  

Theo VnEconomy