Top

“Không có giá ảo trong bất động sản”

Cập nhật 26/01/2014 08:16

Phó GĐ Savills tại Hà Nội cho rằng, giá là sự gặp nhau giữa cung và cầu, không có giá thực hay ảo.

Lâu nay, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và dư luận cho rằng thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trì trệ, thậm chí đóng băng có nguyên nhân quan trọng là giá ảo. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, “khi thị trường bất động sản có nhiều sản phẩm nhà ở có diện tích khiêm tốn, mang tính xã hội, giá rẻ, đồng thời được hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn sẽ giúp bình ổn giá nhà ở nói chung trên thị trường, đưa giá nhà ở về giá trị thực. Người cần nhà tìm được đúng loại hàng hàng hóa mình cần, loại bỏ khu vực trung gian đầu cơ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS trì trệ vì giá ảo

Bởi vì, trước đây, khi chưa có chính sách này, người không có tiền mua nhà cũng muốn mua nhà nhưng đó là nhu cầu ảo - mong muốn có thực nhưng không có tiền. Nhu cầu ảo dẫn đến giá ảo, không tương xứng với khả năng thanh toán đã đẩy bất động sản rơi vào điểm nóng với sự đội giá của nạn đầu cơ”.

Nhận định này chứng tỏ Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận tình trạng có “giá ảo”, và giá áo là một nguyên nhân quan trọng gây bế tắc cho thanh khoản trên thị trường BĐS.

Cũng nhấn mạnh vào mấu chốt sự bế tắc của thị trường là do giá, TS Alan Phan cho rằng "giá bất động sản chưa hợp túi tiền người mua thì thị trường cũng sẽ không có gì thay đổi về căn bản. Nếu cứ đánh trống, thổi kèn thì cũng chẳng giải quyết được gì. Thị trường BĐS chẳng có vấn đề gì ngoài vấn đề về giá".

Tuy nhiên, theo ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam tại Hà Nội, có nhiều bình luận về giá bán đang trên giá trị thực hoặc dưới giá trị thực... “Đứng ở góc độ kinh tế, giá là sự gặp nhau giữa cung và cầu, không có giá thực hay ảo”- ông Trung nhấn mạnh.

Theo phân tích của ông Trung, nếu trước đây bán nhà với giá 60 triệu đồng/m2, nay bị giảm về 30 triệu đồng/m2 mà nói giá 60 triệu đồng/m2 khi trước là giá ảo là không đúng. Vì ảo thì tại sao có người bỏ tiền ra mua mức giá đó, có sự đồng ý bán và đồng ý mua? Tức là tại thời điểm nào sẽ có giá đó ứng với giao dịch thành công.

Còn hiện tại, theo ông Trung, giá mà thị trường đang giao dịch, có thể khác giá trước đây, nhưng vẫn chưa đến mức để nhiều người mua được. Câu chuyện nằm ở chỗ có bao nhiêu người mua được với mức giá mà thị trường đang giao dịch, bao nhiêu người không thể mua?

Cho nên, “người ta không mua được không phải lỗi ở người bán”- ông Trung khẳng định. Vì thế, ông Trung cho rằng, cần xem xét kỹ xem người định mua có đủ tiền không? Câu hỏi rộng hơn là: Chính sách nào, nền kinh tế thế nào để người dân không đủ tiền mua? Ví dụ, không thể giảm giá cái bánh mình vốn giá 10 đồng/cái xuống thành giá 1 đồng/cái để mọi người mua được. Vì để làm ra cái bánh mì còn phải qua chi phí nhiều khâu chế biến, phân phối...

Với phân tích như vậy, ông Trung đề xuất: “Cần tìm cách để tăng thu nhập cho người dân, không để lạm phát khấu trừ vào thu nhập của họ. Như thế, tìm cách nâng thu nhập để người dân có thể mua được cái bánh mì 10 đồng/cái hay hơn là giảm giá để người dân có thể mua được ở mức 1 đồng/cái”./.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV