Top

Khốn khổi vì làm “chuột bạch” trong nhà cho công nhân thuê

Cập nhật 13/06/2014 13:28

Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung - Đông Anh - Hà Nội đã được đưa vào sử dụng từ năm 2007, đến năm 2013 bàn giao 2 đơn nguyên nhà cuối cùng. Tuy nhiên sự xuống cấp trầm trọng, nhanh chóng của khu nhà khiến công nhân vô cùng bức xúc, khốn khổ.

Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Xuống cấp trầm trọng

Nhận định về chất lượng ngôi nhà, chị Hoàng Thị Anh, nhân viên bảo vệ, quản lý nhà A4 (nhà do công ty Panasonic thuê cho công nhân) nói: “Mùa mưa thì ẩm ướt, mùa nắng nóng thì nước ngấm trong các tường nhà ngấm ra ngoài, gây mốc meo, phồng rộp, vữa trên tường bở bục như cát bong hàng mảng, các tường xung quanh đều có hiện tượng như vậy. Nhiều phòng ở công nhân mốc xanh, mốc đỏ, công nhân kêu ca suốt ngày, có báo cho đơn vị quản lý mà chẳng thấy đến xử lý”.

Theo quan sát của PV tại các khu nhà, các đơn nguyên nhà tại khu nhà ở công nhân có chất lượng công trình kém, hầu hết các đơn nguyên nhà đều bị nứt cổ trần tầng 5 và một số vị trí tại hành lang, cầu thang, tình trạng thấm ngấm, thấm dột từ mái xuống tầng 5, từ nhà vệ sinh ra hành lang cầu thang, gây ẩm và mốc đen, sơn tường rộp và bong nứt mảng lớn, vữa chát tường bắt đầu bở và rơi xuống nền nhà.


Nước ngấm từ trong tường ngấm ra ngoài gây ra ẩm ướt, mốc xanh mốc đỏ trong khu nấu ăn của công nhân.

Ông Bùi Minh Tuân, giám đốc Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đơn vị phụ trách quản lý các tòa nhà, vừa dẫn PV đi tham quan, vừa tâm sự: Ngoài việc chất lượng xuống cấp của các tòa nhà nói trên, thì việc thiết kế các tòa nhà cũng không phù hợp với người công nhân sử dụng. Do các đơn nguyên nhà được thiết kế khép kín theo phòng, mỗi phòng có đến 8 – 24 công nhân ở, nhưng có phòng chỉ có 1 nhà tắm và 2 phòng vệ sinh, có những nhà như A01, A5 mỗi phòng chỉ có…1 nhà tắm và 1 nhà vệ sinh.

 
Từ 8- 24 công nhân ở trong một phòng, chỉ duy nhất 1 nhà vệ sinh và 1 nhà tắm.


Ngoài ra, các tòa nhà thường xuyên bị mất nước cục bộ, thiếu nước trầm trọng. Do các công nhân đi làm ca về, họ tắm rửa, giặt rũ đồng loạt, trong khi ống dẫn nước lên các tòa nhà thì quá nhỏ, không đủ cung cấp theo nhu cầu.

Ông Vũ Việt Hòa, phó Phòng kế hoạch của Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội, dẫn PV đến bể chứa và cấp nước tòa nhà, cho hay: Lô No.01 vừa tiếp nhận bàn giao từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Nội (Hancic) nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo thiết kế ban đầu  Lô No.01 có 06 đơn nguyên nhà chỉ có 01 đồng hồ cấp nước D50 cấp vào 02 bể ngầm sau đó bơm lên bể mái tầng 5 của toàn khu nhà rồi cấp ngược xuống các phòng nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sử dụng cho công nhân.

Hệ thống chõ bơm nước của 02 bể ngầm được thiết kế quá gần nhau và được hàn chặt vào đường ống cấp nước, nên lượng nước bơm lên rất yếu, đồng thời khi xảy ra sự cố hỏng chõ gây khó khăn cho sửa chữa thay thế...

Ống  nước cấp nước cho khu nhà ở 5 tầng.

Chị Trần Thị Chi, công nhân công ty Panasonic, ở tòa nhà A5 phàn nàn: “Nhiều khi chúng em đi làm về, mệt mỏi muốn tắm giặt, nấu ăn để nghỉ ngơi, thì nước lại hết hoặc nước không đủ dùng. Lắm lúc, chờ mãi mới đến lượt mình tắm thì nước hết.”

Kết cấu cẩu thả

Sự xuống cấp của khu nhà còn thể hiện trong các công trình kết cấu hạ tầng. Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện công tác duy tu, bảo trì sửa chữa không đảm bảo, nhiều hạng mục công trình không được thực hiện khiến cho hệ thống hạ tầng này ngày càng xuống cấp trầm trọng. Trong toàn bộ khu nhà, đều dễ dàng nhận thấy những hố ga bị mất lắp, sụt lún, không được đấu nối vào hệ thống thoát nước bẩn của toàn Thành phố gây ra tình trạng trào ngược nước thải lên vỉa hè, lòng đường....

Nước thải sinh hoạt tràn lên vỉa hè, lòng đường.

Tình trạng này không những gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường mà còn gây nguy hiểm cho người dân sinh sống xung quanh, công nhân sinh sống tại khu nhà ở công nhân.

Chị Trịnh Thị Luyện, quản lý, giám sát công nhân tòa nhà N01 (do công ty Canon thuê), bức xúc: “Nước ngấm qua tường, chảy ra các lối hành lang, gây ẩm ướt. Hàng ngày chúng tôi phải lau chùi liên tục mới có thể đi được. Nhiều phòng mốc đen, hôi hám, công nhân phàn nàn không thể ở nổi, nên chúng tôi phải chuyển công nhân sang phòng khác để ở”.

Ai chịu trách nhiệm?

Trước tình trạng này, các đơn vị sử dụng lao động có ý kiến không tiếp tục thuê vì nhà không đảm bảo các điều kiện ăn, ở, sử dụng của người công nhân của họ. Ông Trần Anh Dũng, phó Phòng quản lý nhà, xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN về thực trạng trên, ông Trần Trọng Bình, phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Nội (Hancic), giải thích: Đây là công trình thí điểm của Thành phố, thí điểm về mặt cơ chế, còn chất lượng thì vẫn phải đảm bảo đúng chất lượng. Hancic là chủ đầu tư công trình thí điểm này, còn các đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty tư vấn thiết kế và phát triển đô thị Hà Nội (đơn vị thành viên của Hancic) đảm nhận. Trực tiếp thi công lại là nhiều đơn vị khác nhau trong Thành phố.

Ông Bình thừa nhận tình trạng trên là có xảy ra, nhưng do cả lỗi của người sử dụng lẫn đơn vị thi công. Vì chưa nghiệm thu nên chưa có đánh giá chính thức về công trình thí điểm này, do vậy việc bảo hành còn kéo dài đối với đơn vị thi công.

Nếu lỗi kỹ thuật công trình thì chủ đầu tư (Hancic) phải có trách nhiệm thúc giục nhà thầu thi công phải bảo hành. Tuy nhiên, việc bảo hành công trình phải xem lỗi do đâu, lỗi của đơn vị nào, đồng thời phải rà soát, kiểm tra, xin ý kiến các bên liên quan…nên việc bảo hành cũng có chậm chễ.

Khi PV hỏi về năng lực của công ty tư vấn thiết kế công trình này thì ông Bình không trả lời. Nhưng ông Bình cũng nhận định là việc xảy ra mất nước, đường ống dẫn nước nhỏ, thiếu nhà vệ sinh…là do đơn vị thiết kế không lường hết được việc này và không tính toán được những sự cố xảy ra. Tiến tới công ty sẽ rà soát lại dự án và có những kiến nghị với Sở Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội.

Vì là công trình thí điểm nên không có quỹ bảo trì, việc bảo trì những tòa nhà này phụ thuộc vào việc bảo hành công trình của đơn vị thi công. Khi nào hết bảo hành thì mới xây dựng quỹ bảo trì. Ông Bình cho biết thêm.

Như vậy, việc phải rà soát, kiến nghị và phải chờ các cơ quan chức năng giải quyết, những hạng mục công trình của khu nhà xuống cấp lại phải kiểm tra, xin ý kiến, tìm ra lỗi của đơn vị thi công rồi mới đến bảo hành… là cả một quá trình thời gian dài. Trong khi đó, hàng trăm công nhân hàng ngày vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và sống chung với ẩm mốc, môi trường mất vệ sinh./.


DiaOCOnline.vn - Theo Pháp luật VN