Top

Khó vay vốn rẻ mua nhà

Cập nhật 15/06/2013 13:20

Sau mười ngày triển khai gói 30.000 tỉ đồng đã có doanh nghiệp tiếp cận được vốn, nhưng người dân lại vấp phải khá nhiều rào cản về thủ tục vay, mức thu nhập... chưa sát với thực tế.


Vấn đề này đã được phản ảnh trong buổi đối thoại trực tuyến với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng (NH) Nhà nước và NH Đầu tư phát triển VN (BIDV) do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 11-6.

Điều kiện ngặt nghèo
TS Lê Thẩm Dương (trưởng khoa quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM): Ngân hàng phải công bố cơ chế kiểm soát

Theo nghị quyết 02, gói 30.000 tỉ đồng sẽ dành 70% cho người dân mua nhà và 30% cho doanh nghiệp. Nhưng thời gian qua một số NH công bố tỉ lệ này là 60% cho doanh nghiệp và 40% cho người mua nhà, chưa kể người dân hầu như chưa tiếp cận được gói tín dụng này nên người dân bức xúc là lẽ đương nhiên. Tuy vậy các NH cũng có lý lẽ khá chắc chắn là triển khai cho vay theo lộ trình, và trong thời điểm này tập trung vào doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, các NH phải công khai cơ chế giám sát này sao cho không chỉ thanh tra NH Nhà nước mà cả người dân cũng giám sát được.

Đ.DânTrong buổi đối thoại, nhiều người dân phản ảnh bất cập trong quy định của thông tư 07, theo đó để được vay vốn với lãi suất ưu đãi, người đi vay phải có giấy xác nhận về hộ khẩu, nhân khẩu và thực trạng nhà ở hiện tại, UBND phường xã nơi cá nhân cư trú phải ký tên đóng dấu xác nhận. Thế nhưng, nhiều người đem giấy này đến thì UBND phường xã nơi cư trú từ chối xác nhận với lý do làm vậy là... trái pháp luật.

“Như vậy giấy xác nhận chưa có nhà ở do UBND phường cấp là đúng pháp luật hay không? Nếu đúng pháp luật, đề nghị có hướng dẫn, tránh tình trạng gây khó dễ cho người dân, đi ngược lại với mong muốn của Chính phủ” - người dân đề nghị. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Hoàng, phó tổng giám đốc BIDV, chỉ trả lời là NH làm theo đúng hướng dẫn thông tư 07 của Bộ Xây dựng. Còn lãnh đạo Bộ Xây dựng không có trả lời nào về trường hợp này.

Điều kiện phải có hợp đồng mua nhà NH mới xét cũng làm khó người dân. Nhiều người cho biết đến tìm hiểu vay vốn thì NH yêu cầu phải có hợp đồng mới cho vay, còn doanh nghiệp yêu cầu phải có tiền mới bán nhà. Kẹt giữa hai yêu cầu này, người dân không biết giải quyết thế nào. Bà Trịnh Thanh Hằng - một người mua nhà - phản ảnh gói 30.000 tỉ đồng tiếng là chỉ dành cho những người có thu nhập thấp mà thực tế đối tượng này lại không đáp ứng được điều kiện vay vốn của NH.

“Cơ quan tôi mọi người đã bàn tán việc có NH “gợi ý” người vay có thu nhập cao hạ thấp thu nhập để đạt tiêu chuẩn vay và hiện tượng các NH cho vay thời hạn dài hơn (từ 14-15 năm), thay vì 10 năm như quy định để có lợi cho cả khách hàng và NH. Nếu đúng như vậy thì những người có thu nhập thấp theo đúng nghĩa và đang có nhu cầu về nhà ở thật sự làm sao tiếp cận được gói hỗ trợ này?” - bà Hằng đặt câu hỏi.

Ông Trần Xuân Hoàng khẳng định BIDV không hướng dẫn như vậy. Theo ông Hoàng, sau mười ngày triển khai, phía người vay chỉ mới tìm hiểu phương thức, điều kiện để từ đó đối chiếu với khả năng, điều kiện, thu nhập của bản thân và bàn bạc với gia đình, nên cần một thời gian nữa các khoản vay cụ thể mới có thể giải ngân.

Thu nhập 5-6 triệu đồng cũng có thể mua nhà

Tại buổi đối thoại, nhiều người cũng băn khoăn về mức thu nhập thực tế để có thể tiếp cận gói ưu đãi. Nhiều ý kiến cho rằng một hộ gia đình phải có thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng trở lên mới có thể trả gốc và lãi cho một căn hộ diện tích 45-70m², giá 15 triệu đồng/m²chứ thu nhập thấp hơn khó mà với tới.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói có nhiều loại sản phẩm nhà ở, có sản phẩm diện tích chỉ 30m2 với thiết kế mới đầy đủ công năng như dự án Viglacera vừa mới khởi công ở khu Đặng Xá (Hà Nội) giá 8,5 triệu đồng/m2. Như vậy, giá toàn bộ căn hộ chỉ 250 triệu đồng. Để mua căn hộ này, người dân chỉ cần có 50 triệu đồng, tương ứng 20%, 200 triệu còn lại trả trong 10 năm, tính ra mỗi tháng chỉ phải trả gốc 1,8 triệu đồng và tiền lãi 1 triệu đồng, tổng cộng 2,8 triệu đồng. Như vậy, ngay cả những gia đình thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng nếu cố gắng dành dụm có thể sở hữu ngôi nhà.

Theo ông Nam, với đối tượng thu nhập thấp nên phát triển từng bước, sau 5-7 năm kinh tế phát triển, lương cao lên, số người trong gia đình đông lên, có điều kiện thì chuyển lên những căn hộ lớn hơn. Với đối tượng có thu nhập thấp hơn mức này, tới đây Chính phủ cũng có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. Trong đó tính toán sao cho các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m2 chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Chính sách này hiện đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ và hi vọng sẽ được ban hành trong tháng 7.

Bộ Xây dựng cũng đang dự thảo quyết định thí điểm để trình Thủ tướng, theo đó ngay lập tức có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê thí điểm dưới hình thức thuê từng tháng, trả tiền từng tháng. Ngoài ra còn có hình thức thuê theo hợp đồng từ 6-12 năm, trong thời gian đi thuê, người đi thuê có thể cho thuê lại hoặc chuyển nhượng hợp đồng. Ông Nam cũng nhấn mạnh với gia đình thu nhập quá thấp thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân.
 

Nhà ở xã hội sẽ có giá dưới 12 triệu đồng/m2

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội bắt đầu triển khai với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng sẽ có giá dưới 12 triệu đồng/m2. Cụ thể, dự án của HUD tại Tây Nam Linh Đàm có giá dưới 12 triệu đồng/m2, giá nhà dự án của Viglacera tại Đặng Xá là 8,5 triệu đồng/m2, các dự án nhà ở xã hội ở Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh đều có giá dưới 7 triệu đồng/m2 nhưng chất lượng, yêu cầu kỹ thuật vẫn đảm bảo như nhà ở thương mại.

Về giải pháp tăng cung nhà ở xã hội, ông Nam cho biết đến nay cả nước đã có gần 10.000 hộ dân vào ở trong các khu nhà dành cho người thu nhập thấp... Ngoài ra còn có 157 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, chưa kể nhiều dự án nhà ở thương mại cũng được chuyển sang nhà ở xã hội.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ