Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital. |
Việt Nam đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế khi lọt vào top 4 các thị trường bất động sản mới nổi
Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản (AFIRE) vừa công bố báo cáo về thị trường bất động sản toàn cầu, theo đó Việt Nam được xếp thứ 4 trong các thị trường mới nổi về mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Khảo sát của AFIRE được tiến hành đối với các nhà đầu tư hiện nắm giữ hơn 627 tỷ USD bất động sản toàn cầu, trong đó có 265 tỷ USD tại Mỹ. Trong số này, khoảng 65% những người được hỏi cho biết Mỹ hứa hẹn cơ hội tăng giá tốt nhất, vượt xa 10% số người chọn Trung Quốc ở vị trí số 2.
Trong các thị trường mới nổi, Brazil đã chiếm ngôi vị số 1 của Trung Quốc. Trung Quốc xếp thứ hai, thay vị trí của Ấn Độ. Việt Nam không được xếp hạng năm ngoái, nhưng năm nay bất ngờ xếp thứ 4, đẩy Mexico xuống vị trí thứ 5.
Phóng viên đã phỏng vấn ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital, một doanh nhân Mỹ đang thành công với một loạt dự án bất động sản tại Việt Nam, xung quanh câu chuyện này.
* Ông đánh giá thế nào về xếp hạng mới của AFIRE đối với Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh năm ngoái Việt Nam thậm chí còn không được xếp hạng?
Trong cuộc khảo sát thường niên thứ 19 của AFIRE, Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn mới nổi với vị trí xếp hạng thứ 4, sau Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ. Chúng tôi cho rằng kết quả này là do sự phát triển nhanh chóng tại thị trường bất động sản Việt Nam và các quy định mở cửa nhiều hơn nữa cho phép cho sự tham gia của đầu tư nước ngoài.
* Ý nghĩa thực sự của việc xếp hạng này với sự phát triển của thị trường bất động sản tại Việt Nam là như thế nào?
Trong bối cảnh đầu tư bất động sản toàn cầu hiện nay, thị trường bất động sản của Việt Nam đã chứng minh được sự hấp dẫn hấp dẫn từ nhu cầu trong nước và khả năng phục hồi của nền kinh tế, được hỗ trợ bởi các yếu tố như sự tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và việc hình thành một lớp trung lưu mới. Mặc dù môi trường đầu tư vẫn đầy thử thách, nhưng thị trường bất động sản của Việt Nam vẫn đang thu hút sự quan tâm từ các tổ chức đầu tư toàn cầu.
Khảo sát của AFIRE cho thấy mối quan tâm của đầu tư quốc tế đối với thị trường bất động sản của Việt Nam, môt xu hướng đang tăng lên rõ rệt kể từ đầu năm 2010, và có thể sẽ tiếp tục nếu như kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng lạc quan.
Với việc thị trường bất động sản thương mại và thị trường nhà ở đang hoàn thiện, chúng tôi trông đợi vào mối quan tâm dài hạn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, sự hợp tác gần đây của chúng tôi với Orix, một trong những hãng dịch vụ tài chính lớn nhất Nhật Bản, là xoay quanh lợi ích của họ trong việc tiếp cận các cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế khá tích cực trong năm 2010 mang lại sự lạc quan cho thị trường bất động sản Việt Nam. Kể từ thời điểm suy thoái năm 2008, đã có nhiều dự án được khởi động trên tất cả các lĩnh vực, với sự gia tăng nguồn cung cấp đáng chú ý ở các thị trường văn phòng tại Hà Nội và Tp.HCM, cũng như nhà ở và nghỉ dưỡng. Thị trường đang ghi nhận sự gia tăng đáng chú ý từ cả hai khía cạnh nhu cầu thuê cũng như nhu cầu đầu tư.
Từ đầu năm 2010, thị trường bất động sản của Việt Nam đã dần được cải thiện tương ứng với việc tiếp tục mở rộng của nền kinh tế vì quỹ đạo của thị trường bất động sản trong nước đã được liên kết với nền kinh tế. Với triển vọng kinh tế trong và ngoài nước đang sáng sủa hơn, bất động sản thương mại và nhà ở của Việt Nam đang có đà phát triển tích cực, một xu hướng mà chúng tôi dự báo sẽ tiếp tục đến năm 2012.
* So sánh với các nước khác ở châu Á trong cùng giai đoạn phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?
Thật khó để so sánh các thị trường bất động sản, bởi vì các biến động theo chu kỳ là khác nhau rất nhiều giữa các khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tốt so với nhiều nước châu Á khác về phát triển bất động sản. Từ phương diện cung, Hà Nội và Tp.HCM có nguồn cung khá hạn chế đối với các cơ sở bán lẻ hiện đại và hệ thống nhà ở.
Quá trình đô thị hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng, nhu cầu nhà ở và các hệ thống thương mại bán lẻ sẽ tiếp tục tăng, và đó là những lĩnh vực mà chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư.
* Các kế hoạch của Indochina Capital trong mảng bất động sản trong năm nay như thế nào?
Tại Indochina Land, chúng tôi ghi nhận sự gia tăng doanh số bán nhà ở với tổng doanh thu khoảng 40 triệu USD trong năm 2010. Với các dự án đang triển khai, chúng tôi đã và đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực bao gồm bất động sản thương mại, văn phòng, khu du lịch và bất động sản căn hộ dịch vụ…
Trong năm 2011, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án như Hà Nội Indochina Plaza, một khu liên hợp trị giá 160 triệu USD và khu nghỉ dưỡng Đà Nẵng Hyatt Regency trị giá 130 triệu USD với những phòng ở chất lượng cao. Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn tất cả hai trong 6 tháng cuối năm 2011.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ ra mắt dự án phát triển mới, đi đầu trong số đó là khu dân cư Nam Sài Gòn ở quận Nhà Bè của TP.HCM. Chúng tôi cũng đang trong giai đoạn thiết kế một dự án tổng thể có thể cung cấp 1.000 - 1.200 căn hộ cho người có thu nhập trung bình.
Đồng thời, quỹ đầu tư Indochina Land Holdings 3 đã được lập và công bố mới đây với mục tiêu đầu tư vào thị trường bất động sản. Chiến lược đầu tư của chúng tôi đối với quỹ này là tập trung vào các khu dân cư để bán ở cả đô thị và ngoại thành, cũng như với các dự án hỗn hợp tại Hà Nội và TP.HCM.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: