Top

Khai thông thị trường BĐS từ quản lý

Cập nhật 02/07/2009 14:55

Thị trường BĐS TP.HCM hiện sụt giảm mạnh nhất là ở sức mua và tính thanh khoản. Trong khi đó, các thủ tục hành chính còn rườm rà, trùng lắp kéo dài; hệ thống quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đầu tư kinh doanh không đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo.

Chính các thủ tục hành chính này đã tạo kẽ hở cho người thừa hành nhũng nhiễu, tiêu cực. Tính minh bạch, công bằng trong việc tiếp cận với thông tin quy hoạch, dự án, quỹ đất chưa tốt.

Nguyên nhân chính là do văn bản pháp luật quản lý thị trường BĐS: Hệ thống quy phạm pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng và kinh doanh BĐS thiếu đồng bộ. Hiện nay tồn tại nhiều loại quy hoạch, nhiều cấp xây dựng, ban hành nhưng thiếu tính thống nhất, đồng bộ, trách nhiệm pháp lý còn thiếu rõ ràng. Điều này vừa tạo ra khó khăn trong hoạt động quản lý Nhà nước với vấn đề quy hoạch, vừa gây lãng phí nguồn lực trong việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Việc mất quá nhiều thời gian để giải phóng, đền bù về mặt bằng, trình duyệt dự án đầu tư và các quy hoạch chi tiết, thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng đã làm nản lòng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Vấn đề tín dụng BĐS, vẫn còn chịu ảnh hưởng và dư âm “độ trễ” của chính sách tiền tệ, tài chính thắt chặt. Và hiện các ngân hàng, tổ chức tài chính vẫn thiếu nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho các dự án BĐS. Để phát triển thị trường này suy cho cùng cũng là vấn đề vốn, nguồn lực tài chính cho đầu tư BĐS. Chúng ta chưa hình thành tốt hệ thống định chế và cơ chế hỗ trợ cho thị trường vận hành, phát triển. Bên cạnh đó hệ thống tài chính công cũng chưa làm tốt vai trò định hướng, hỗ trợ, điều tiết hiệu quả thị trường. Đó chính là do chính sách thuế, phí, lệ phí BĐS; là khung giá đất, định giá đất đai, BĐS… còn nhiều bất hợp lý.

Để phát triển thị trường BĐS, TP.HCM cần thống nhất về cơ quan quản lý thị trường và hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp quy quản lý hiệu quả đối với thị trường. Thống nhất, minh bạch về quy hoạch phát triển đô thị; nhất thể hóa cơ quan làm quy hoạch; tránh chồng lấn, xung đột về quy hoạch. Hạn chế quy hoạch “treo” bằng cách quy định thời hiệu của các bản quy hoạch. Tiếp tục hỗ trợ khơi thông nguồn vốn đầu tư cho thị trường BĐS từ các nguồn trong nước, nước ngoài, định chế tài chính quốc tế. Vấn đề là TP và các tổ chức này cần xác định rõ những dự án BĐS khả thi, hiệu quả để tài trợ, phát triển tín dụng chứ không nên “đóng cửa” toàn diện với thị trường để tạo hệ số an toàn tín dụng như hiện nay. Nhà nước và TP cần nhanh chóng thống nhất một “giấy chứng thư” cho đất và nhà; quy định rõ một cơ quan có thẩm quyền cấp giấy và phải minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, giảm lệ phí cấp chứng thư.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng