UBND Hà Nội đã cho phép điều chỉnh 3 dự án nhà thương mại sang nhà xã hội, nhưng tổng số căn hộ được chuyển đổi chỉ có 174 căn.
Việc cho phép DN chuyển đổi dự án thương mại sang dự án nhà ở xã hội được xem như giải pháp sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thế nhưng, ngay sau khi Thông tư 02/2013/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh nhà thương mại sang nhà xã hội ra đời đã nhận được nhiều ý kiến phản ứng từ phía DN do có quá nhiều điều khoản chưa cụ thể.
Dự án Khu nhà ở thương mại cao tầng đô thị Sông Đà là một trong 3 dự án được chấp thuận chuyển đổi
|
Ngại Thông tư hướng dẫn chưa rõ ràng
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, DN này từng rất hy vọng vào chính sách chuyển dự án thương mại sang nhà ở xã hội, nhất là việc được phép chia nhỏ căn hộ. Tuy nhiên, ngay sau khi Thông tư 02 được ban hành đã khiến DN “nản” vì có quá nhiều điều khoản không thể vượt qua để dự án đủ điều kiện chuyển đổi hay chia nhỏ.
Cụ thể, theo ông Đực, việc cho phép chia nhỏ căn hộ chắc chắn sẽ dẫn đến gia tăng dân số. Trong khi nhiều Sở Xây dựng vẫn cứng nhắc việc quy hoạch xây dựng đi kèm với mật độ dân số. Vì thế, chủ trương cho chia nhỏ thì có, nhưng nếu Bộ Xây dựng không ra tiếp thông tư về việc điều chỉnh diện tích đi kèm điều chỉnh dân số thì DN sẽ rất khó được chia nhỏ căn hộ.
Ngoài ra, quy định bắt DN phải có được sự đồng tình của 100% khách hàng mới được chuyển đổi dự án cũng là một thách thức đối với DN. Điều này có thể khiến DN khai gian để được chuyển đổi dự án, nhưng như thế thì hậu quả sẽ rất khó lường sau này.
Trao đổi với ĐTCK về những điểm bất cập tại Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest cũng cho rằng, việc xét duyệt dự án trong 30 ngày là điều không tưởng, vì chủ trương chuyển đổi hiện lãnh đạo nhiều địa phương còn chưa thông nên DN chắc chắn sẽ bị gây khó.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng bày tỏ lo ngại chính sách này có thể bị một số đơn vị lợi dụng xin chuyển dự án sang làm nhà xã hội để giữ đất và hưởng ưu đãi khi dự án có khả năng bị thu hồi do không thể triển khai. Nhưng với tiềm lực về tài chính bị hạn chế, cộng với những hỗ trợ của Nhà nước cũng chỉ có hạn thì việc triển khai tiếp dự án sau khi được chuyển đổi cũng rất khó thực hiện. Chính vì vậy, theo ông Hiệp, việc cho phép DN chuyển đổi dự án cần có sự giám sát chặt chẽ năng lực của chủ đầu tư.
Được biết, tại cuộc họp giao ban của UBND Hà Nội, các sở ngành và DN bất động sản mới đây, các DN cũng “kêu” rất nhiều về thủ tục hành chính chuyển đổi dự án.
Nhiều dự án vẫn muốn chuyển sang nhà xã hội
Trong khi nhiều DN nghi ngại những khó khăn do các điều khoản của Thông tư hướng dẫn chưa rõ ràng hoặc chưa đầy đủ, thì không ít DN vẫn muốn chuyển đổi dự án thương mại sang làm nhà xã hội.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, UBND Hà Nội đã cho phép điều chỉnh 3 dự án nhà thương mại sang nhà xã hội, gồm: Dự án khu nhà ở thương mại cao tầng đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú, phường Văn Quán (Hà Đông) do CTCP Đầu tư XD và PT đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư; Dự án Khu đô thị mới Trung Văn (Từ Liêm) do CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư và Dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long tại Lai Xá, Kim Chung (Hoài Đức) do Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tổng số căn hộ của 3 dự án được chấp thuận chuyển đổi lại chỉ có 174 căn hộ, chứ không phải với tất cả dự án.
Cũng theo Sở Xây dựng, hiện vẫn còn 6 nhà đầu tư đăng ký xây dựng dự án nhà xã hội mới tại 7 địa điểm trên địa bàn Thành phố chưa được UBND Hà Nội đồng ý. Trong khi còn không ít DN đang nghiên cứu, cân nhắc trong việc chuyển đổi dự án.
Thế nhưng, việc còn nhiều bất cập tại hướng dẫn chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà xã hội có thể khiến nhiều DN chần chừ trong việc xin chuyển đổi dự án.
Vì thế, những bất cập được nhiều DN kiến nghị, phản ánh gần đây hy vọng sẽ sớm được Bộ Xây dựng và các ban ngành địa phương tiếp thu, điều chỉnh để cùng gỡ khó cho DN và thị trường bất động sản.
DiaOcOnline - Theo Đầu tư Chứng khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: