Cơn sốt từng đẩy giá đất đai ở huyện phía Bắc Hà Nội lên hàng chục triệu đồng một m2, khiến không ít nhà đầu tư lao vào cuộc đua đón đầu quy hoạch hớ nặng vì giờ đây rao bán vài triệu đồng cũng chẳng ai mua.
>>Đại gia đất Sóc Sơn nháo nhào lo sổ đỏ
Đầu năm 2011, đất Sóc Sơn trải qua đợt tăng giá chóng vánh, kéo dài khoảng 2 tháng, khi thông tin các trường đại học, cao đẳng sẽ di dời đến đây được lan truyền. Thông tin về dự án sân golf quốc tế đang triển khai và tuyến đường 35 mở rộng… cũng tạo thêm sức nóng cho vùng đất nông nghiệp này.
Đất Sóc Sơn từng lên tới vài chục triệu đồng một m2 vào đầu năm 2011. Ảnh: Hoàng Lan
|
Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng người dân và các môi giới nhà đất vẫn theo nhau thổi giá. Trong một thời gian ngắn, đất tại một số xã đắt gấp 2-3 lần so với cuối 2010, kể cả loại chưa có sổ đỏ. Sốt nhất lúc đó phải kể tới các xã Minh Phú, Minh Trí, Nam Cương, Phù Linh, Thanh Xuân. Thời điểm cuối 2010, giá đất những khu vực này chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng mỗi m2, sau hai, ba tháng đã lên tới 8-10 triệu. Nhiều nơi gần đường lớn lên tới 18-32 triệu đồng, ngang ngửa đất ven nội thành Hà Nội.
Người người, nhà nhà chuyển nghề làm môi giới đất. Bên cạnh đất thổ cư, không ít diện tích đất nông nghiệp, đất vườn... cũng bị xẻ ra để bán giá trên trời. Nhiều nhà đầu tư từ nội thành Hà Nội theo nhau tới Sóc Sơn mua gom đón đầu quy hoạch, với kỳ vọng sau một thời gian giá sẽ tăng. Không ít đại gia bỏ hàng tỷ đồng mua cả nghìn m2 xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng... Rất nhiều giao dịch chỉ thực hiện qua hình thức giấy viết tay.
Chỉ trong một thời gian ngắn, sốt đất Sóc Sơn nhanh chóng đi vào vết xe đổ của các cơn sốt trước đó tại Ba Vì, Hòa Lạc, Đông Anh... Nhà đầu tư nhanh chóng "vỡ mộng" khi đất ở khu vực này lao dốc thảm hại. Không ít người rao bán đất Sóc Sơn bằng nửa giá lúc mua vào.
Từ cuối năm 2011 cho đến nay, toàn thị trường rơi vào khủng hoảng, mọi phân khúc từ biệt thự, đất thổ cư đến các loại căn hộ thuộc cả nội và ngoại thành... đều đua nhau giảm giá. Đến nay, có nơi mức giảm đã lên tới 50-60% so với giá thời đỉnh điểm năm 2010. Đặc biệt, ở những khu vực ngoại thành, xu hướng giảm giá càng diễn ra thảm hại hơn, đồng thời thanh khoản gần như không có. Sóc Sơn cũng không là ngoại lệ.
Theo khảo sát của VnExpress.net, hiện nay, đất Sóc Sơn giảm chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba so với đầu năm 2011. Khu vực xã Minh Trí, Minh Phú giá ở đường lớn giờ chỉ khoảng 4 triệu một m2, đường nhỏ từ 2-3 triệu đồng. Tại xã Thanh Xuân, giá dao động từ 4-10 triệu đồng một m2; Phù Linh 4-6 triệu tùy vị trí... Loại đất chưa có sổ đỏ cũng được rao bán rất nhiều với giá 500.000-1 triệu đồng một m2.
Nhà đầu tư chấp nhận bán tháo, cắt lỗ hàng trăm triệu đến tiền tỷ mỗi lô đất nhưng cũng chẳng có ai mua. Anh Tuấn, giám đốc một sàn môi giới bất động sản trên đường Phạm Văn Đồng cho biết có 3 khách hàng gửi bán đất Sóc Sơn từ hơn một năm nay nhưng hầu như không ai hỏi mua.
"Ít nhất đã ba lần khách đăng ký giảm giá, tối thiểu 3-4 triệu đồng một m2. Trong số này, có người ôm tới 2 mảnh đất tại Sóc Sơn, giờ chấp nhận bán lỗ mỗi lô khoảng 1 tỷ đồng nhưng không được", anh Tuấn cho hay.
Từng phất lên nhờ lướt sóng bất động sản, hồi đầu năm 2011, anh Quân, Đống Đa ôm hơn 100m2 đất tại xã Thanh Xuân, Sóc Sơn với giá 22 triệu đồng một m2. Nhà đầu tư này dự định, sau vài tháng sẽ bán kiếm lời. Tuy nhiên, vừa giao tiền thì đất tại khu vực này xuống giá và sau đó là cuộc khủng hoảng địa ốc ập đến khiến anh không kịp trở tay. Để trang trải các khoản nợ, đến nay, anh chấp nhận bán giá 10 triệu đồng một m2 nhưng rao cả năm nay cũng không trôi hàng.
Không ít nhà đầu tư cũng đang rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười" như anh Quân. Anh Tuấn nhận định thông tin Sóc Sơn xử lý sai phạm xây dựng tại nhiều lô đất lâm nghiệp có thể khiến bất động sản tại khu vực này còn tiếp tục xuống giá.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: