Top

Hàng trăm ngàn tỷ đồng chôn vào đất

Cập nhật 28/11/2013 13:59

Tình trạng dự án “trùm mền”, chủ đầu tư bán tháo, nợ nần chồng chất… là cái giá phải trả của sự phát triển quá nóng.

Thời kỳ hoàng kim, cứ có dự án (thậm chí trên giấy) là có người mang tiền đến đặt mua. Một lô đất hay một căn hộ sáng mua chiều bán có thể hưởng chênh lệch 700-800 triệu đồng. Chỉ cần “xí chỗ” chờ nhận phiếu đăng ký mua bằng một cục gạch để sang nhượng là có thể kiếm cả trăm triệu đồng.


Chung cư Kenton xây dựng gần 13 năm đến nay vẫn trong giai đoạn phần thô. Ảnh: LONG THANH

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, nhớ lại dự án chưa triển khai khách hàng cứ ùn ùn mang tiền đến đòi mua. Không bán khách hàng trách móc, giận hờn.

Một nhà môi giới, ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Techcomreal, cũng luyến tiếc: “Cứ đem bản vẽ ra chỉ chỉ, chỏ chỏ như bán vịt trời nhưng hàng trăm người nộp tiền mua đất phân lô mỗi ngày. Trong bức tranh tối tranh sáng nhiều chủ đầu tư không đàng hoàng đã nổi lên lừa khách hàng".

Thời điểm 2006-2008, đình đám là dự án Adonis (khu đô thị mới Nam TP) do CTCP Vạn Thịnh Hưng làm chủ đầu tư. Dù quy hoạch cho phép dự án xây dựng đến 15 tầng nhưng chủ đầu tư bán đến tầng 18 và dự án chỉ mới trên giấy, nhưng hàng trăm khách hàng vẫn bỏ tiền ra mua với giá trên 20 triệu đồng/m2.

Thời điểm 2007 nhiều doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn muốn có dự án để “làm đẹp” bản cáo bạch. Có dự án được mô tả mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng thực chất chủ đầu tư chỉ bỏ vài tỷ đồng làm lễ động thổ, khởi công hoặc mới chỉ được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương.

Hiện nay, từ Nhà Bè qua quận 2, xuống quận 9 vòng lên Gò Vấp, Hóc Môn… đâu đâu cũng thấy dự án “trùm mền”. Đất nền cỏ mọc, hạ tầng dở dang; chung cư xuống cấp mốc meo.

Giám đốc Công ty Tài Nguyên, chủ đầu tư chung cư Kenton (Nhà Bè), cho biết đã gần 13 năm xây dựng dự án, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng và đang trong giai đoạn xong phần thô. Tuy nhiên, dự án này đang “tắc tị” gần 3 năm nay, khu chung cư chỉ là một khối bê tông đen xì, ngày tháng phơi sương phơi nắng.

Hay CTCP Phát Đạt thừa thắng dự án Everich 1 (quận 11) tiếp tục triển khai dự án Everich 2 (quận 7) với quy mô hàng ngàn căn hộ, nhưng hiện nay cũng sống dở chết dở. Hàng loạt dự án đất nền tại quận 2, quận 9 như Thạnh Mỹ Lợi, Bách Khoa… đã triển khai hơn 10 năm nhưng vẫn là những bãi cỏ hoang. CTCP Quốc Cường Gia Lai triển khai dở dang một dự án tại Phước Kiểng (Nhà Bè) tiền vay đổ hàng trăm tỷ đồng rồi chết đứng.

Một chuyên gia BĐS  tính toán, với hơn 700 dự án, rộng khoảng 7.253ha đang tồn đọng, nếu nhân bình quân vốn đầu tư khoảng 5 triệu đồng/m2, số tiền đang “chôn” vào đất khoảng hơn 362.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn khoảng 10.000 căn hộ và 120ha đất nền tồn kho với trị giá hơn 17.000 tỷ đồng. Chưa kể hàng ngàn nhà đầu tư thứ cấp bị kẹt dự án chưa “đẩy” đi được.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng nguyên nhân dự án BĐS đóng băng, dở dang do chủ đầu tư yếu vốn, chủ yếu vay ngân hàng hoặc huy động khách hàng để triển khai. Khi 2 nguồn này bị tắc dự án tắc theo. Doanh nghiệp BĐS đầu tư theo phong trào, không khảo sát nhu cầu người dân dẫn đến mất cân đối cung cầu ở từng phân khúc nên “cái cần chẳng có, cái có chẳng cần”.

Ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch CTCP Xây dựng số 5, cho rằng hiện nay doanh nghiệp nào đã có đất sạch và nộp xong tiền sử dụng đất may ra mới dám triển khai dự án. Còn làm dự án mới từ đầu chẳng ai dám.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu Tư