Top

Hàng trăm dự án bất động sản trước giờ bị thu hồi

Cập nhật 23/06/2014 08:27

Hàng trăm dự án bất động sản ở TP. HCM đang đứng trước nguy cơ buộc phải dừng triển khai do hết thời hạn đầu tư theo quy định. Đây sẽ là một cuộc gạn lọc, loại bỏ những nhà đầu tư thiếu năng lực để làm sạch thị trường, nhưng cũng cần xem xét từng trường hợp cụ thể.

Nhiểu chủ đầu tư muốn triển khai dự án nhưng không thể giải phóng mặt bằng - Ảnh: Hoài Nam

Hơn 300 dự án hết thời gian gia hạn

Nhằm giải quyết tình trạng dự án treo quá lâu, thời gian qua, UBND TP. HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM rà soát các dự án bất động sản trên địa bàn. Theo báo cáo mới đây nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường, qua kiểm tra 479 dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư sử dụng vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất - kinh doanh và phúc lợi công cộng thì có tới 327 dự án đã hết thời gian gia hạn.

Theo tìm hiểu của Đầu tư bất động sản, trong số các dự án bất động sản hết thời gian gia hạn đầu tư, có nhiều dự án với quy mô lớn, nhưng việc thực hiện khá ì ạch. Đơn cử như Dự án Khu dân cư Hạnh Phúc tại Khu Nam Sài Sài Gòn do Tổng công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, đây sẽ là một khu đô thị hiện đại, hoàn chỉnh, có quy mô hơn 42 héc-ta với các hạng mục như chung cư cao cấp, nhà liên kế, biệt thự song lập, đơn lập, trung tâm thương mại, trường học, trung tâm y tế... Tổng mức đầu tư dự kiến 9.000 tỷ đồng được chia làm 4 giai đoạn, thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2016.

Dự án này được giao đất từ năm 2004, nhưng đến nay, tỷ lệ đền bù mới chỉ đạt 30%. Dự án đã từng bị Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi, nhưng sau đó UBND TP. HCM xin cho chủ đầu tư được gia hạn với điều kiện cam kết về tiến độ thực hiện và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận.

Một dự án có quy mô lớn khác cũng bị Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi là Dự án Khu vui chơi, công viên giải trí ở phường Bình Hưng do CTCP Park City làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND TP. HCM đã phê duyệt quy hoạch 1/2.000 từ tháng 7/2009 có quy mô 50,03 héc-ta, với chức năng công viên công cộng, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí, tổ chức không gian xanh phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, sau nhiều năm xin cấp phép, kết quả triển khai dự án khá ì ạch.

Bên cạnh những dự án kể trên, hàng trăm dự án nằm rải rác ở nhiều quận, huyện tại TP. HCM cũng đã hết thời gian hạn gia đầu tư và đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi.

Xử lý thế nào?

Theo điểm b khoản 3 tại Điều 34 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất được Chính phủ ban hành ngày 15/5/2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014: “Đối với dự án không đủ điều kiện tại điểm a khoản này (dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đất phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng…), thì UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định hủy quyết định thu hồi đất và chỉ đạo các tổ chức cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án”. Nếu thực hiện theo quy định này, hàng loạt dự án đầu tư bất động sản trên địa bàn TP. HCM do chính quyền địa phương thuận chủ trương đầu tư, đang đầu tư dở dang có nguy cơ buộc phải dừng dự án từ ngày 1/7 sắp tới.

Trao đổi với Đầu tư bất động sản, đại diện một số chủ đầu tư dự án bất động sản cho rằng, có những dự án do chủ đầu tư không có năng lực để triển khai dự án, song có những dự án dù chủ đầu tư đã nỗ lực rất nhiều và có đủ tiềm lực triển khai, nhưng vẫn không thực hiện được do sự vướng mắc về thủ tục.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCGL), chủ đầu tư Dự án Phước Kiểng ở huyện Nhà Bè, TP. HCM, dự án nằm trong diện hết hạn đầu tư cho biết, Dự án Phước Kiểng có quy mô 90 héc-ta. Nhiều năm qua, dù đã nỗ lực, nhưng QCGL cũng chỉ đền bù giải tỏa được 82% dự án, 18% còn lại không thể đền bù được do một số người có đất không chịu di dời. Trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận 100% với người dân, nên Công ty không biết xử lý ra sao. Vì chưa đền bù xong nên doanh nghiệp chưa được Thành phố có quyết định giao đất. Vòng lẩn quẩn này lặp đi lặp lại, đến hiện nay thời điểm thực hiện dự án sắp hết, QCGL làm đơn xin gia hạn thời gian đầu tư thì được cơ quan chức năng giải thích, dự án sẽ phải đầu thầu lại.

“Chúng tôi đã vay ngân hàng 1.500 tỷ đồng để đầu tư vào dự án này, nếu quay lại từ đầu, thủ tục sẽ kéo dài cả năm với lãi vay phát sinh thêm khoảng 180 tỷ đồng. Chi phí này sẽ phải tính vào chi phí đầu tư, giá thành đội lên và người chịu thiệt là người tiêu dùng”, bà Loan nói.

Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, các dự án sau khi hết thời gian gia hạn nhưng chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng mà có chủ đầu tư vẫn muốn tiếp tục thực hiện thì Sở Xây dựng hướng dẫn lập thủ tục để doanh nghiệp thực hiện. Các dự án nhà ở đã hoàn tất bồi thường 100% thì các cơ quan có thẩm quyền xem xét năng lực của chủ đầu tư trước khi chấp thuận tiếp tục đầu tư. Riêng các dự án nhà ở có quy mô lớn và đã bồi thường trên 80% mà chủ đầu tư không có khả năng bồi thường tiếp thì đề nghị hỗ trợ để doanh nghiệp đẩy nhanh việc triển khai (với điều kiện đảm bảo kết nối hạ tầng theo quy hoạch được duyệt). Một số trường hợp khác sẽ phải thu hồi để đấu giá dự án.

Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cùng các sở, ngành liên quan mới đây, Chủ tịch UBND TP. HCM, ông Lê Hoàng Quân chỉ đạo, trong thời gian tới, trên cơ sở việc rà soát một loạt các dự án bất động sản vừa qua, việc xử lý thu hồi hay hỗ trợ chủ đầu tư tiếp tục triển khai cần xem xét lại một cách thấu đáo và cụ thể với từng trường hợp. Chủ trương là sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp có nhiệt huyết đầu tư tham gia vào thị trường, những dự án dở dang cần đẩy nhanh tiến độ để tạo quỹ nhà. Song cũng sẽ cương quyết kiên quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư không có năng lực.


DiaocOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản