Top

Hàng loạt dự án tại Hà Nội xin trở thành nhà “thu nhập thấp”

Cập nhật 10/04/2013 14:15

Chủ đầu tư 15 dự án nhà ở tại Hà Nội đã và đang làm thủ tục chuyển đổi sang nhà ở xã hội...


Hàng loạt dự án tại Hà Nội xin trở thành nhà “thu nhập thấp”

Nhu cầu mua nhà giá rẻ của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại Hà Nội hiện đang rất lớn.Nhu cầu mua nhà giá rẻ của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại Hà Nội hiện đang rất lớn.
Với kỳ vọng được hưởng các ưu đãi cũng như gỡ khó cho đầu ra, chủ đầu tư 15 dự án nhà ở tại Hà Nội đã và đang làm thủ tục chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết ngoài 3 dự án nhà thương mại đã được chuyển sang nhà thu nhập thấp gồm: dự án nhà ở Trung Văn mở rộng tại huyện Từ Liêm (Công ty Đầu tư xây dựng Hà Nội), dự án khu nhà ở cao tầng tại 143 Trần Phú ,Hà Đông (của Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà) và dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long (của Công ty Bánh kẹo Thăng Long), còn có 12 dự án đã được chủ đầu tư đăng ký chuyển đổi cơ cấu căn hộ và mô hình nhà thương mại sang nhà xã hội.

Trong khi đó, về nhu cầu nhà ở, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, theo kết quả khảo sát của cơ quan này tại 118 đơn vị, có đến 193.261 người đăng ký có nhu cầu mua nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó, các cơ quan Trung ương có 157.153 người đăng ký; các đơn vị của Hà Nội có 36.108 người đăng ký.

Theo một đại diện của Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển Sông Đà, đơn vị này muốn chuyển đổi một tòa nhà 35 tầng sang nhà xã hội để hưởng một số ưu đãi. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi này sẽ khiến đầu ra của sản phẩm này dễ dàng bởi nhu cầu nhà xã hội còn rất lớn, trong khi nếu xây nhà thương mại thì không dễ bán.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số chủ đầu tư, quá trình “chạy” thủ tục chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội không hề đơn giản.

Tại cuộc họp giữa UBND Hà Nội và Bộ Xây dựng mới đây về vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhiều một số doanh nghiệp lớn nhơ HUD, Vinaconex, Viglacera… cho biết dù đã nộp hồ sơ từ lâu song câu trả lời của cơ quan chức năng vẫn là là… đang chờ thủ tục, cơ chế.

Trao đổi với VnEconomy, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân Số 1 Lai Châu, ông Lê Thanh Thản cho biết, doanh nghiệp này đang triển khai chung cư Kim Văn – Kim Lũ (Hoàng Mai), song vẫn quyết định đầu tư theo dạng nhà thương mại, mà không xin chuyển đổi sang nhà thu nhập thấp vì đã biết trước được các thủ tục sẽ rườm ra và “tốn kém”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GPInvest) cho rằng, doanh nghiệp chưa kịp phấn khởi vì có Nghị quyết 02 tháo gỡ khó khăn thì lại "lo ngay ngáy" vì thủ tục. Theo ông, thủ tục hành chính đang gây bức xúc cho doanh nghiệp. Đơn cử, doanh nghiệp của ông cũng đang xin chia nhỏ căn hộ nhưng thủ tục “đi lên, đi xuống” vẫn chưa xong. Chỉ riêng một văn bản cũng phải mất nửa tháng mới giải quyết xong.

“Nhu cầu của xã hội về nhà ở là có thật, nhưng khi chia nhỏ căn hộ lại vấp quy định về căn hộ tiêu chuẩn. Chúng tôi chỉ mong Bộ Xây dựng và Hà Nội giúp tháo gỡ khó khăn về thủ tục, bởi vậy, dù không xây nhà ở xã hội, tôi vẫn đến xem thủ tục Nghị quyết 02 có tốt không”, ông Hiệp nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, trước khi có Nghị quyết 02, Bộ Xây dựng đã rà soát, kiểm tra tại 11 thành phố lớn, ban hành tiêu chí dự án nào cần tạm dừng. Mặc dù Nghị quyết 02 đã ra đời đến nay được hơn 2 tháng nhưng theo ông Nam, các động thái triển khai của các bộ ngành và địa phương chưa rõ rệt.

“Nghị quyết bước đầu có thể làm doanh nghiệp phấn khởi nhưng chúng ta không làm quyết liệt thì lòng tin của doanh nghiệp và người dân sẽ bị giảm sút đi”, ông Nam cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, cam kết tới đây tổ công tác của Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội sẽ gắn kết chặt chẽ hơn để thúc đẩy nhanh các dự án. "Hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội của Hà Nội rất lớn, vì vậy trong năm 2013 này phấn đấu xây dựng, chuyển đổi khoảng 10 dự án; trong đó từ nay đến hết tháng 4/2013 cố gắng thực hiện từ 5 - 6 dự án".

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy