Trong khi các dự án chống ngập lớn bằng nguồn vốn ODA cho khu vực nội thành đang thi công chưa phát huy tác dụng thì hàng loạt công trình phòng chống lụt bão cho khu vực vùng ven, ngoại thành lại bị “kẹt” vốn.
Nguy cơ vỡ bờ bao luôn rình rập
Năm nào TPHCM cũng đầu tư hàng tỷ đồng gia cố bờ bao, nhưng cứ đến mùa mưa, thậm chí không mưa bờ bao cũng bể do triều cường dâng cao. Trong khi đó, các công trình đê bao trọng điểm “giậm chân tại chỗ”, thậm chí có dự án triển khai mấy năm nay vẫn còn nằm trên giấy.
Ghi nhận của chúng tôi vào cuối tuần qua, tại các xã ven sông Sài Gòn tại huyện Củ Chi như: Bình Mỹ, Trung An, Hòa Phú và An Phú có nguy cơ sạt lở bờ rất cao vào mùa mưa này. Dọc theo tuyến sông trên, hiện tượng “hàm ếch” nhiều nơi có nguy cơ gây sạt lở. Riêng ở xã Bình Mỹ có hơn 3.000m bờ bao rơi vào tình trạng trên.
Ông Tô Văn Tám, ngụ ấp 1, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi cho biết, nhiều tháng qua hơn 100m đê bao đã liên tục bị sạt lở xuống sông. Tương tự, tại tổ 4, ấp 1 đê bao cũng bị sạt gần 100m. Rạch Cây Điệp thuộc ấp 5 cũng có nguy cơ bị sạt 3 đoạn. Tình trạng sạt lở cũng đang hoành hành tại khu vực rạch Võ và rạch Xẻo Đình, thuộc ấp Bốn Phú xã Trung An.
Theo người dân, tình trạng ngập úng kéo dài là do việc thi công công trình đê bao bờ hữu sông Sài Gòn quá chậm. Mấy năm nay, đơn vị thi công phần cống nhưng nhiều nơi cũng chưa hoàn chỉnh, còn tuyến đê bao thì chưa thấy gì. Thế là, cứ mưa là ngập do không có ai chịu gia cố đê bao như những năm trước đây.
Tại công trình đê bao bờ hữu ven sông Sài Gòn tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (do Sở NN-PTNT TPHCM làm chủ đầu tư) đang thi công các cống ngăn triều nhưng chỉ có một vài công nhân đóng cừ tràm. Mỗi nơi thi công xây cống chỉ có một hai máy múc (dùng để múc đất) nhưng có chỗ hoạt động, có chỗ không. Với tiến độ như vậy, công trình khó có thể hoàn thành trong năm nay.
Tương tự, công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn tại quận 12 và huyện Hóc Môn (Nam Rạch Tra) chiều dài toàn tuyến là 51.641m đê bao và 236 cống các loại đến nay vẫn chưa có đoạn nào hoàn chỉnh và đang rất ngổn ngang. Toàn tuyến công trình trên thi công như “da beo” vì chưa giải tỏa. Người dân ở những địa phương trên lại tiếp tục sống chung với triều cường, vì công trình thi công ì ạch gần 10 năm nay.
Hiện nay, toàn TPHCM có khoảng 62 điểm có nguy cơ sạt lở cao đe dọa đến tài sản, tính mạng người dân, tập trung chủ yếu các quận, huyện như: 2, 9, 12, Bình Thạnh, Bình Chánh, Cần Giờ, huyện Nhà Bè… Trong đó, Nhà Bè là huyện có đến 26 điểm sạt lở từ cầu Phước Long về phía hạ lưu đến ngã ba Rạch Tôm vào bờ Rạch Tôm - khu vực cầu Phú Xuân - Phước Kiểng (quận 7, huyện Nhà Bè)…
Nhiều công trình chưa hoàn thành
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT TPHCM, đến thời điểm này có 12 quận- huyện thường xuyên bị ngập đã và đang triển khai thi công mới 103 công trình dài 62.198m với kinh phí 121,806 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần năm qua chỉ mới có 8 quận, huyện hoàn thành 54 hạng mục công trình, dài 40.828m với kinh phí 75,754 tỷ đồng. Như vậy còn 130 công trình chưa hoàn thành, thậm chí chưa triển khai ở 9 quận, huyện gồm: 2, 9, 12, Gò Vấp, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn.
Báo cáo tại cuộc họp với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín vào ngày 18-5 về tình hình vốn đầu tư xây dựng các công trình bờ bao phòng chống triều cường, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước, nhiều quận – huyện “than” bị “kẹt” vốn, thậm chí có công trình đã hoàn tất đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa thanh toán được nợ cho nhà thầu.
Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, theo kế hoạch ghi vốn của năm 2008 có 51 công trình thì mới có 8 công trình đã thực hiện tương đối hoàn chỉnh bằng nguồn ngân sách của huyện. Trong 43 công trình còn lại, ở giai đoạn 1 thực hiện 21 công trình, trong đó có 19 công trình đang thi công, 2 công trình sắp khởi công.
Theo kế hoạch, đến hết quý 3-2009 sẽ hoàn tất 21 công trình này. 22 công trình còn lại của giai đoạn 2 dự kiến quý 3-2009 sẽ đồng loạt triển khai thi công. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện này, đến nay chưa công trình nào được ghi vốn. Hiện huyện đang nợ nhà thầu thi công hơn 19 tỷ đồng đối với khối lượng công trình đã hoàn thành.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, tổng khối lượng công trình chống triều cường, tiêu thoát nước tại các quận - huyện đã hoàn thành nhưng chưa được thanh toán tiền của năm 2008 là 75 tỷ đồng. Ngoài ra, số vốn mà các quận - huyện đang cần được ghi ngay để thực hiện các công trình trong giai đoạn 2 là 148 tỷ đồng.
Trước tình trạng bức bức về vốn cho các công trình phòng chống lụt bão, Sở Tài chính TPHCM cho biết: Sở kiến nghị UBND TPHCM để lại 50% số tiền vượt thu sử dụng đất năm 2008 cho các quận - huyện có thực hiện công trình phòng chống lụt bão (hơn 500 tỷ đồng). Tuy nhiên, số tiền này vẫn phải chờ Bộ Tài chính “rót” xuống.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: