Ngày 31.5, bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thị trường bất động sản khu vực đang xem xét trong quy hoạch Hà Nội.
Báo cáo khẳng định, tại khu vực phía Tây, giá bất động sản tăng đều đặn từ trước khi có quyết định sát nhập thủ đô Hà Nội cho đến nay, trong khi tại các khu vực phía bắc, phía nam và phía đông chỉ mới tăng trở lại từ đầu quý 1/2010. Đặc biệt, lượng giao dịch và giá chuyển nhượng được chào bán trên thị trường tự do các loại đất thổ cư, đất cây lâu năm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại nhiều địa bàn của Hà Nội, trong đó có các địa điểm đang được xem xét quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tăng mạnh trong quý 1 và đầu quý 2/2010.
Theo tổng hợp của bộ Xây dựng từ bốn nguồn thông tin: từ các sàn giao dịch bất động sản; từ các cuộc làm việc trực tiếp với UBND các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh và Thường Tín; báo cáo của cục Thuế Hà Nội về thuế bất động sản năm tháng đầu năm 2010; kết quả công tác của đoàn kiểm tra liên ngành (văn phòng chính phủ và các bộ: Xây dựng, Công An, Tài nguyên & môi trường và UBND TP. Hà Nội) về đầu tư, kinh doanh tại các khu đô thị mới trên địa bàn thì giao dịch bất động sản thời gian qua chủ yếu là việc mua đi bán lại giữa những người đầu cơ với nhau (có những mảnh đất trong một thời gian ngắn đã thực hiện giao dịch nhiều lần).
Số thuế thu được từ chuyển hượng bất động sản tại khu vực ngoại thành không lớn. Báo cáo của cục Thuế Hà Nội trong năm tháng đầu năm 2010, số thuế thu được tại 4 huyện Quốc Oai, Thường Tín, Ba Vì, Thạch Thất là 7,655 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng cũng khẳng định, đã xuất hiện tình trạng “làm giá”, tung tin đồn, giao dịch ảo để đẩy giá bất động sản lên cao, nhất là tại các khu vực huyện Thạch Thất, huyện Ba Vì. Ngoài ra. hầu hết các giao dịch, mua bán BĐS tại khu vực xa trung tâm như khu vực huyện Thạch Thất, huyện Ba Vì, huyện Sóc Sơn chủ yếu với mục đích đầu tư, kiếm lời chứ không phải vì nhu cầu thực sự cần có chỗ ở. Việc đầu cơ, kích giá, “làm giá” ảo của giới đầu cơ, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng là một trong những nguyên nhân để đẩy giá bất động sản lên cao.
Bên cạnh đó, Bộ xây dựng cũng chỉ rõ nguyên nhân làm giá đất tăng cao tại những khu vực Hà Nội mở rộng là do pháp luật về đất đai cho phép đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất vườn, có một phần đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tham gia thị trường bất động sản, được chuyển nhượng nhưng chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện chuyển nhượng làm cho các loại đất này được chuyển nhượng một cách dễ dàng, số lượng giao dịch nhiều hơn các loại đất nông nghiệp khác và gây khó khăn cho công tác quản lý.
Bộ xây dựng đề xuất chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý xây dựng, quản lý đất đai, cơ quan thuế cấp quận, huyện, tăng cường công tác kiểm tra tình hình chuyển nhượng đất đai, tuân thủ quy hoạch xây dựng và pháp luật về thuế trên phạm vi địa bàn TP. Hà Nội. Đặc biệt tại các địa điểm đang xem xét quy hoạch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, tung tin thất thiệt, lừa đảo kiếm lời bất chính và làm mất trật tự, an ninh xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: