Top

Hà Nội sẽ nâng hạn mức đầu tư cho dự án nhà ở sinh viên

Cập nhật 02/09/2014 07:49

Thành phố Hà Nội sẽ xem xét nâng trần hạn mức đầu tư đối với một số dự án nhà ở sinh viên. Nếu nguồn ngân sách Chính phủ không có thì thành phố sẽ phát hành trái phiếu thủ đô để thực hiện.

Ảnh minh họa.

Báo cáo mới đây của UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 66 dự án phát triển nhà ở xã hội đã và đang triển khai, với khoảng hơn 5 triệu m2 sàn nhà ở xây mới.

Trong đó, có 44 dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, với khoảng hơn 3,8 triệu m2 sàn nhà ở xây mới, tương đương 37.800 căn hộ.

Có 10 dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, với khoảng 362.775 m2 sàn xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 39.114 sinh viên.

Bên cạnh đó, có 12 dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, với khoảng 838.410 m2 sàn xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 40.794 công nhân.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, để giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, học sinh, sinh viên, thành phố đã dành và bố trí quỹ đất phát triển nhà ở bằng nhiều hình thức.

Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 60 khu đất, dự án dành để phát triển nhà ở xã hội với khoảng hơn 348ha đất.

Thành phố đã chủ động bố trí hơn 325ha đất theo quy hoạch đô thị và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội thực tế trên địa bàn với 11 dự án, khu đất dành để xây dựng nhà ở thu nhập thấp; 12 dự án, khu đất dành để xây dựng nhà ở công nhân; 8 dự án nhà ở sinh viên trong khuôn viên đất các trường đại học, cao đẳng; 16 dự án nhà ở xã hội được chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại theo Thông tư số 02/2013/TT-BXD.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã chủ động ban hành các văn bản thực hiện, trong đó có nhiều văn bản đi tiên phong để tháo gỡ các vướng mắc.

Về mục tiêu nhà thu nhập thấp, theo kế hoạch đến 2015, Hà Nội sẽ thực hiện được khoảng 8 triệu m2 sàn, đến nay đã xây dựng được 2,8 triệu m2 (tính cả các dự án từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội).

Đồng thời, các dự án liên quan hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật sẽ phải thực hiện xong trong năm 2014 - 2015.

Mặt khác, thành phố cũng khuyến khích các chủ đầu tư đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại cho các hộ dân có nhu cầu nhà ở, nhằm giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Thành phố cũng đang tính toán, khuyến khích chủ đầu tư tham gia tháo gỡ khó khăn, lấp đầy công nhân trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà trong việc xây dựng nhà ở công nhân.

Về xây dựng nhà ở sinh viên thành phố đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đặc biệt sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Mỹ Đình 2 và Pháp Vân - Tứ Hiệp, hai dự án này về cơ bản đã hoàn nên phải tiếp tục thực hiện nếu không sẽ xảy ra lãng phí rất lớn.

Để thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở sinh viên, ông Tuấn cho biết, quan điểm của thành phố Hà Nội sẽ nâng trần hạn mức, nếu nguồn ngân sách Chính phủ không có thì thành phố sẽ phát hành trái phiếu thủ đô để thực hiện.

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE