Top

Hà Nội rà soát việc xây dựng sân golf

Cập nhật 09/12/2009 10:45

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 19 dự án xây dựng sân golf. Tổng diện tích khoảng 6.690 ha. Trong đó khoảng 252 ha đất trồng lúa hai vụ, 230 ha đất trồng lúa một vụ, 1300 ha mặt nước, còn lại là đất đồi, lâm nghiệp, đất trũng, đất nông nghiệp hoang hóa năng suất thấp, đất quốc phòng, đất ở và đất chuyên dụng khác.

Trong 17 dự án đã xác định chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc có quy mô 6.362 ha: phần sân golf khoảng 2.214 ha, mặt nước khoảng 940 ha, còn lại là các công trình và hạ tầng kỹ thuật (khách sạn, biệt thự, trung tâm thương mại dịch vụ, khu đô thị, đường giao thông, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa...); 2 dự án chưa nghiên cứu lập quy hoạch nên chưa xác định được chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chấp thuận đầu tư 7 dự án.

Lãnh đạo UBND TP cho biết, lĩnh vực xây dựng sân golf thuộc đối tượng đầu tư có điều kiện, không thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư. Quá trình thẩm định, phê duyệt dự án cần đặc biệt chú trọng xem xét, kiểm soát chặt chẽ các nội dung về: nhu cầu sử dụng đất, công nghệ, quy hoạch xây dựng, tác động đến môi trường, năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư… đảm bảo hài hoà các lợi ích, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm đất, đúng mục đích, không ảnh hưởng đến môi trường, thiên nhiên.

Để thực hiện chủ trương của Chính phủ quy hoạch sân golf, UBND TP sẽ yêu cầu nhà đầu tư dừng hoặc nghiên cứu chuyển mục tiêu đầu tư kinh doanh những sân golf có đặc điểm: Sử dụng nhiều đất trồng lúa; xây dựng tại vùng đông dân cư, khó giải quyết việc làm khi thu hồi đất; các dự án có vị trí nhạy cảm về chính trị, văn hóa xã hội, tâm linh… gây khó khăn trong việc GPMB, hoặc ảnh hưởng đến đê điều hoặc các công trình dự án khác.

Trên cơ sở các quy định hiện hành, qua rà soát, việc quản lý và đầu tư xây dựng các sân golf trên địa bàn, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát để đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, bảo vệ môi trường và hoạt động kinh doanh có hiệu quả; đảm bảo lợi ích của người lao động; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp với Nhà nước đối với 3 sân golf đã đi vào hoạt động và 1 sân golf đang triển khai xây dựng. Tiếp tục cho phép thực hiện 5 sân golf đáp ứng được các quan điểm, yêu cầu nêu trên. Dừng đầu tư và chuyển mục đích đầu tư đối với 10 sân golf còn lại.

Theo Quyết định 1946/QĐ-TTg, ngày 26/11/2009, phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020 của Chính phủ thì mục tiêu xây dựng sân golf phải góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ của các địa phương; tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững. Đồng thời nghiêm cấm việc dùng đất quy hoạch xây dựng sân golf để kinh doanh bất động sản.

Trường hợp phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ được sử dụng đất lúa 1 vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích quy hoạch 1 sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.


DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị