Khu chăn nuôi của gia đình ông Chỉnh (thôn Mỹ Hạ) bị sạt lở gần hết. |
Hàng chục hộ dân với cả trăm nhân khẩu ở hai thôn Mỹ Thượng và Mỹ Hạ (xã Hữu Văn - huyện Chương Mỹ - Hà Nội) đang nơm nớp lo sợ vì nhà có thể bị sông Bùi nuốt chửng bất cứ lúc nào.
Trận mưa mấy hôm vừa rồi khiến hàng trăm nhân khẩu sống cạnh sông Bùi ở đây nhấp nhổm không yên. Sự lo lắng, hoảng hốt ấy còn hiện nguyên vẹn trên khuôn mặt của chị Ngô Thị Lan (thôn Mỹ Thượng).
“Hôm ấy, khi cả nhà đang yên giấc thì có tiếng kêu răng rắc. Tưởng nhà có trộm, chồng tôi bật dậy, cầm gậy chạy ra sân thì chứng kiến toàn bộ công trình phụ và cây nhãn đổ ùm xuống nước sông trong đêm tối. Chái nhà ngang xây cho bà cô chồng (bà Nguyễn Thị Tái, bị tật nguyền - PV) cũng bị nước giật trơ mái trong nháy mắt”- Chị Lan kể.
Vợ chồng chị Lan phải cõng cô lên nhà trên vì sợ sụp nhà. Suốt đêm đó, cả nhà chị chong đèn thức.
Chị Ngô Thị Lan (thôn Mỹ Thượng) trên mảnh đất bị sạt lở gần hết của gia đình. Ảnh: Lệ Giang |
Gia đình anh Nguyễn Văn Khoẻ (hàng xóm chị Lan) năm 2005 bị sạt mất hơn 100 mét vuông đất, nay căn nhà chỉ còn chưa đầy 30 mét vuông với chín nhân khẩu, nhưng vẫn tiếp tục bị nước sông đe dọa. Cứ mỗi khi có mưa lớn, thanh niên trong xóm phải rủ nhau túc trực suốt đêm, xem nhà ai bị sạt lở thì đến giúp đỡ.
Ban ngày đi làm thì lo trẻ nhỏ ở nhà trượt chân rơi xuống sông. Hàng chục nhà chênh vênh ngay mép nước, nhiều chỗ nước ăn sâu như hàm ếch.
Hiện tượng sạt lở của bờ sông Bùi qua địa bàn này bắt đầu từ năm 2005. Trên đoạn sông Bùi dài chừng một kilômét, sạt lở liên tục, dù đã được kè hộc.
Chỉ riêng trong hai tháng Sáu và Bảy vừa qua, tại thôn Mỹ Hạ xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Chỉnh (54 tuổi) kể lại:
“Nhà tôi có chín khẩu, đều trông vào cây lúa và chăn nuôi. Nhưng tháng Sáu vừa rồi, sông Bùi đã nuốt tường bao dài 50 mét xây bằng đá hộc và gạch hết 22 triệu đồng. Một vườn rau, bốn gian chăn nuôi (có hai con lợn khoảng 70 kg, 24 con ngan và bốn con chó) cũng bị cuốn trôi”.
Bà Nguyễn Thị Bắc (75 tuổi, thôn Mỹ Thượng) buồn rầu: “Ngày trước, ở đây có ba giếng khoan. Nước lũ cuốn, giờ chỉ còn một cái của nhà tôi. Nếu mất nốt cái này thì dân xóm tôi phải ăn nước sông đen ngòm ngoài kia”.
Ông Nguyễn Văn Triển (trưởng thôn Mỹ Thượng) cho biết: “Việc đo đất đai và bố trí quỹ đất, hỗ trợ dân khi di chuyển vẫn chưa được thực hiện, vì đang chờ các cấp có thẩm quyền duyệt dự án tái định cư”. Ông Phùng Xuân Thư - Chủ tịch UBND xã Hữu Văn, nói: “Việc cấp đất tái định cư thì phải đợi các thủ tục và kinh phí hỗ trợ di dời của cấp trên”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: