Top

Hà Nội cần một diện mạo mới

Cập nhật 04/09/2007 17:00

 Hà Nội luôn là niềm yêu thương, nhung nhớ và kỳ vọng của mọi người dân nước Việt dù trong nước hay xa xứ, dù có đi đâu, về đâu... Hà Nội thời hội nhập càng đặt ra bao bài toán phải giải quyết, về diện mạo không gian, về quy hoạch, kiến trúc đô thị cho tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Một chuyên gia quy hoạch và kiến trúc, cũng là một người Hà Nội gốc, giãi bày...

Định hướng tổ chức không gian, diện mạo đô thị, nhất là đô thị trung tâm, không chỉ là biểu hiện của nền tảng văn hóa, khoa học - kỹ thuật, mà còn có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển nhanh hay chậm kinh tế - xã hội, quyết định đến vai trò, vị thế của đô thị đó với các vùng xung quanh, với khu vực và xa hơn là với cả thế giới.

Thủ đô Hà Nội chúng ta, đô thị đã có quá trình phát triển hàng nghìn năm, đang chuẩn bị đại lễ kỷ niệm vào năm 2010. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, tổ chức không gian lại càng là vấn đề được quan tâm không chỉ từ các nhà lãnh đạo, từ những nhà chuyên môn, chuyên gia mà còn cần rất nhiều sự quan tâm của cả cộng đồng. Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội là thế.

Ngay từ xa xưa, cách đây khoảng 2300 năm, An Dương Vương đã định đô ở Cổ Loa (huyện Đông Anh). Ngày nay, những di tích còn lại đã chứng minh đây là một đô thị cổ nhất của nước Việt Nam, trung tâm của nền văn hóa sông Hồng. Qua nhiều biến động, phải đến năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Đại La thì từ đây Thăng Long - Hà Nội càng khẳng định rõ vai trò và tầm vóc ngày càng phát triển.

Ngay trong "Thiên đô chiếu" (Chiếu dời đô) của vua Lý Thái Tổ - một bản luận chứng khoa học, đầy đủ nhất, chính xác nhất về địa điểm Thủ đô của nước Việt đã khẳng định: "Đất ấy rộng rãi mà bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa, dân cư không phải là cái nạn tối tăm, ẩm thấp, muôn vật cực kỳ giàu thịnh đông vui... Xem khắp nước Việt, đó là chỗ đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương xum họp và là đô thành bậc nhất đáng đặt làm kinh tư cho muôn đời.".

Hàng ngàn năm nay Thăng Long - Hà Nội dù có thăng trầm nhưng vẫn luôn phát triển như vị thế vốn có của nó đã từng được bậc vua khai sáng Thăng Long tiên báo trong "Chiếu dời đô". Song, sự phát triển mạnh mẽ chất lượng đô thị, thay đổi rõ nét phải kể đến từ sau Cách mạng Tháng Tám và nhất là từ thời kỳ đổi mới. Năm 1954, khi tiếp quản, Hà Nội chỉ có diện tích 152 km2, gồm bốn quận nội thành với 34 khu phố, 37 vạn dân và bốn huyện ngoại thành với 45 xã, 16 vạn dân.

Để xứng đáng với tầm vóc thủ đô, tại Kỳ họp khóa II, kỳ 2 (tháng 4 năm 1961), Quốc hội đã quyết định mở rộng Hà Nội (lần thứ nhất) với diện tích 584 km2, 91 vạn dân. Khi chiến tranh ở miền Nam trở nên ác liệt, Mỹ đánh phá miền Bắc, việc phát triển không gian không chỉ được các nhà lãnh đạo, quản lý chú trọng bảo đảm, bảo vệ các mục tiêu kinh tế mà còn tính đến yêu cầu an ninh, quốc phòng.

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, để Hà Nội có diện mạo mới xứng đáng hơn, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 4 (tháng 12 năm 1978) đã quyết định mở rộng Thủ đô Hà Nội (lần thứ hai) với diện tích đất tự nhiên là 2136 km2, dân số 2,5 triệu người gồm bốn khu phố nội thành, một thị xã và 11 huyện ngoại thành.

Hà Nội lúc này đã có một tầm vóc mới, là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế. Thời kỳ đổi mới chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Tháng 8/1991, Quốc hội khóa VIII, tại kỳ thứ 9, ranh giới Thủ đô Hà Nội được điều chỉnh với diện tích đất tự nhiên còn 924 km2, bốn quận nội thành và năm huyện ngoại thành.

Cho dù chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, song diện mạo Hà Nội sẽ ra sao, chỉnh trang như thế nào trong giai đoạn tới còn là ngổn ngang những vấn đề đang đặt ra. Bởi phải làm sao khi đất nước hội nhập, mối quan hệ giữa phát triển với bảo tồn quỹ di sản vẫn không làm mất đi bản sắc riêng của Thủ đô. Sự quan tâm của các bạn quốc tế về những khu đặc trưng: phố cổ, Cổ Loa, Hoàng thành - Thành cổ, khu phố có những biệt thự theo kiến trúc Pháp, hệ thống cây xanh, mặt nước v.v và v.v... là những vấn đề cần quan tâm.

Quy mô Hà Nội phải đủ điều kiện để thích hợp với vị thế Thủ đô mà nhân dân cả nước, đặc biệt người Hà Nội mong đợi. Hà Nội phải được tôn tạo, được quy hoạch để tổng thể kiến trúc vừa hiện đại, vừa giữ được nét cổ kính thâm nghiêm của Thăng Long  - Hà Nội, nhưng cũng phải tạo được lợi thế để các tỉnh lân cận cùng phát triển, đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường. Hà Nội phải được phân bố dân cư hợp lý, phát triển lao động có chất lượng cao tương xứng với cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp sinh thái.

Nhìn diện mạo hiện nay của Hà Nội và vùng xung quanh, không khó khăn gì để nhận thấy Thủ đô đã mất dần vành đai xung quanh mà các quy hoạch chung trước đây xác lập. Các dự án khu đô thị, khu công nghiệp tập trung, các đô thị  vệ tinh của những tỉnh xung quanh đã phát triển mạnh áp sát các trục giao thông lớn để tận dụng lợi thế.

Để xây dựng mô hình về phát triển không gian Hà Nội bền vững, cần xem xét tới một quy mô, một mô hình cơ cấu không gian mới. Hà Nội mới phải mang tính hiện đại mà trước hết là hệ thống giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối như xử lý chất thải, nghĩa trang... phải được xem xét trong cả vùng chứ không phải trong ranh giới Hà Nội như hiện nay.

Đáng kể nhất và cái nhìn tổng thể phải tính đến là Hà Nội đang có sức hút lớn số dân tăng cơ học. Thực tế số dân Hà Nội đã vượt dự báo mà quy hoạch không gian đề cập tới. Đây không chỉ là công việc quản lý dân cư mà còn vì chúng ta chưa tạo được sự phát triển đồng đều cả ở các đô thị xung quanh nhằm giảm áp lực dân tứ xứ đổ vào Hà Nội.

Năm 2005, Hà Nội có gần 3,2 triệu người, vượt 3% so với dự báo, đạt mật độ dân số trên 3450 người/km2, gấp trên 100 lần so với mật độ chuẩn thế giới, trong khi đó tổng sản phẩm chỉ đạt khoảng 9% GDP của cả nước. Tình trạng gia tăng dân số khó kiểm soát sẽ dẫn đến xu thế Hà Nội phát triển như một siêu đô thị, với nhiều khó khăn, áp lực và thách thức mới, là có thể xảy ra nếu không có sự điều chỉnh, định hướng phát triển không gian và khai thác có hiệu quả hợp lý quỹ đất.

Năm năm qua, hơn 40 khu đô thị mới đã triển khai. Mỗi năm Hà Nội xây dựng được hơn 1 triệu m2 nhà ở nhưng chất lượng môi trường sống lẫn phân bố đều chưa hợp lý, chưa tạo được tính đồng bộ. Trong khi đó mục tiêu đất nước đặt ra, đến 2020 Hà Nội phải trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố du lịch, không chỉ xứng đáng là Thủ đô của cả nước mà còn xứng đáng với khu vực.

Không gian kinh tế phải được mở rộng hợp lý, phát triển cả chiều sâu và chiều rộng, dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp là công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái. Để đạt tới những mục tiêu trên, ngay khi xem xét đề án phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, Chính phủ cũng đã có định hướng cần mở rộng không gian Hà Nội, cụ thể mở rộng địa giới hành chính Hà Nội cho ngang tầm vị thế Thủ đô (có từ 2000km2 trở lên). Như vậy, mở rộng không gian Hà Nội còn là yêu cầu khách quan, tất yếu để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững.

Song, cùng với việc mở rộng địa giới Hà Nội, một lộ trình thích hợp để chậm nhất năm 2010 diện mạo của một Hà Nội mới có thể hình thành thì ngay từ bây giờ, chúng ra cần xây dựng mô hình quản lý vùng hợp lý, rút kinh nghiệm từ các mô hình mà thế giới đang áp dụng.

Lựa chọn quy mô thích hợp 2000 hay 3000 km2 đã là vấn đề lớn, song phát triển theo hướng nào (phía tây hay phía bắc) và cách khai thác quỹ đất một cách hiệu quả là vấn đề đòi hỏi có tầm nhìn xa. Nói vậy, bởi các dự án hai bên sông Hồng, các khu vui chơi, giải trí hiện đang là những vấn đề "nóng" cần thận trọng khi xem xét quyết định đầu tư.

Xác định mô hình, quy mô hợp lý cho định hướng phát triển không gian Thủ đô là ý chí, là nguyện vọng mong muốn của nhân dân cả nước, của chính quyền, người dân Hà Nội. Chỉ có như vậy chúng ta mới có một Thủ đô Hà Nội xứng đáng khi tới đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một cơ hội mà không phải một đô thị nào cũng có được, và xa hơn nữa là một đô thị bền vững, có vai trò đáng kể với khu vực.

  TheoVietNamNet