Bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8/2011, các trường ĐH, CĐ thuộc hai vùng Hà Nội, TPHCM phải phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ GD-ĐT.
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân về việc di dời nhiều trường ĐH, CĐ nội thành. Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1/3 số trường ĐH, CĐ (96 trường) và tới 40% tổng số SV cả nước theo học (khoảng 66 vạn SV).
Riêng 4 quận nội thành có 26 cơ sở. Bộ Xây dựng đã đề xuất 23 cơ sở giáo dục cần cải tạo và di dời. Sau khi di dời, các trường này sẽ được bố trí tại 7 khu đô thị vệ tinh, như Gia Lâm (khoảng 250ha), Sóc Sơn (khoảng 600ha), Sơn Tây (khoảng 300ha), Hòa Lạc (khoảng 1.200ha), Phú Xuyên (khoảng 100ha)…
12 cơ sở giáo dục phải di dời là ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế công cộng, Viện ĐH Mở, CĐ Công nghệ cao Hà Nội, CĐ Y tế Hà Nội.
11 cơ sở giáo dục phải cải tạo là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ĐH Thủy lợi, Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, CĐ Nghệ thuật Hà Nội.
Với các trường phải di dời được bố trí ở các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (đào tạo khối Nông nghiệp, Kỹ thuật và Công nghệ), Sóc Sơn (đào tạo là Kỹ thuật, Công nghệ thông tin), Sơn Tây (đào tạo ngành Văn hóa xã hội, Sư phạm, Du lịch, kết hợp với hệ thống trường quân đội hiện có), Hòa Lạc (chủ yếu cho ĐHQG Hà Nội, đào tạo ngành Khoa học cơ bản, Công nghệ, Kỹ thuật, Y dược và các nghiên cứu chuyên sâu).
Trường đại học Xây dựng là 1 trong số 12 cơ sở giáo dục ở Hà Nội sắp phải di dời đến địa điểm mới. |
Hà Nội: 40% trường ĐH, CĐ diện tích đất thấp dưới 5m2/1 SV
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện bình quân diện tích đất cho 1 SV ĐH, CĐ trong các trường công lập vào khoảng 35,7 m2, quá thấp so với tiêu chuẩn mà Việt Nam đề ra từ năm 1985 ( khoảng 55 đến 85 m2 đất/1 SV).
Tại Hà Nội, trừ ĐH Quốc gia Hà Nộivà các trường CĐ tại Hà Tây cũ, bình quân trên toàn thành phố, số m2 diện tích đất/SV ĐH, CĐ công lập quy đổi chỉ khoảng 13 m2. Trong đó, khoảng 40% số trường có số m2 diện tích đất/SV thấp dưới 5m2/1 SV như trường ĐH Xây dựng: 0,84m2; ĐH Luật Hà Nội: 0,67m2; ĐH Lao động xã hội: 0,65m2; ĐH Thương mại và ĐH Ngoại thương: 1,08m2; ĐH Kinh tế quốc dân: 2,97m2; ĐH Bách khoa Hà Nội: 4,9m2…
Tại TP.HCM, quỹ đất còn hạn hẹp hơn khi bình quân chung số m2 diện tích/SV ĐH, CĐ công lập quy đổi chỉ khoảng 10m2 (trừ ĐHQG TP.HCM). Khoảng 30% số trường ĐH, CĐ có số m2 diện tích đất/SV thấp dưới 5m vuông như ĐH Kinh tế TP.HCM: 0,54m vuông; ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: 3,25m vuông; CĐ Kinh tế TPHCM: 2,51m2…
Về vấn đề nhà ở cho SV, cũng theo báo cáo của Bộ, trong 196 trường ĐH, CĐ công lập, có tổng số 855.337 SV chính quy chỉ có 157.429 chỗ ở cho SV, chiếm tỷ lệ khoảng 19,50%. Diện tích đất các trường đang dành cho xây dựng nhà ở SV và các công trình phụ trợ, chưa tính đến nhà ở cho cán bộ giảng dạy, chỉ chiếm 3,7% trong tổng số diện tích toàn trường.
Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng cơ bản vẫn từ sự bùng bổ về quy mô học sinh, SV cũng như số lượng trường; quỹ đất dành cho trường vốn đã hạn hẹp lại bị chuyển đổi mục đích, lấn chiếm khá nghiêm trọng; số lượng trường mới thành lập đều bó buộc trong những diện tích vốn không được thiết kế dành cho đào tạo.
Di dời các trường ĐH, CĐ: Vấn đề cấp bách
Tại cuộc họp lấy ý kiến về vấn đề này của Bộ GD-ĐT vừa qua, lãnh đạo nhiều trường đại học băn khoăn, lo lắng cho rằng khó khăn lớn nhất là tìm được nguồn “đất sạch”. Vì khi có đất sạch rồi các trường mới có thể kêu gọi được các nhà đầu tư.
Đại diện của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết: “Chỉ cần nhà nước giao cho khu đất sạch, nhà trường có thể huy động các doanh nghiệp. Kinh phí xây dựng hạ tầng có thể các trường phải chịu. Nếu như Bộ không cho được "đất sạch" mà yêu cầu các trường đi xin thủ tục từ dưới lên trên thì sẽ rất lâu và không hiệu quả”.
Còn hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Việc di dời các trường ĐH ra ngoại thành không thể treo cả kế hoạch hoạt động của nhà trường. Cần tính đến yếu tố không để gián đoạn thời gian học của SV”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Việc di dời các trường toàn bộ hay một phần là một tất yếu và bắt buộc các trường phải thực hiện tùy vào điều kiện cụ thể của từng trường. Nếu chúng ta không có một kế hoạch cụ thể thì rất có thể khoảng 5-10 năm nữa những khu vực có bán kính 50 km xung quanh Hà Nội cũng sẽ không còn quỹ đất dành cho giáo dục mà các lĩnh vực khác sẽ đến trước”.
Trong tháng 12/2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo việc triển khai quy trình đăng ký thực hiện chủ trương di dời các trường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Từ tháng 2 đến tháng 8/2011, các trường ĐH, CĐ thuộc hai vùng phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT cũng được giao chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về mô hình quản lý các khu ĐH tập trung để áp dụng từ năm 2011.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: