Top

Triển khai thi hành Luật Đất đai 2013

Giảm tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Cập nhật 06/07/2014 07:06

Luật Đất đai 2013 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 hứa hẹn mở ra một trang mới trong việc quản lý đất đai của Nhà nước.

Trao đổi với báo chí, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) khẳng định, Luật Đất đai 2013 được áp dụng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý cũng như giải quyết dứt điểm những vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

* Thưa ông, những điểm mới trong Luật Đất đai 2013 sẽ ảnh hưởng thế nào đến người dân cũng như các doanh nghiệp đầu tư bất động sản?

- Trước hết, Luật sẽ tạo mọi thuận lợi cho người dân trong việc quy định hạn mức sử dụng đất nông nghiệp; quy định rõ ràng các quyền về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đồng thời, mọi quyền lợi của người sử dụng đất, bao gồm cả cá nhân lẫn tổ chức đều bình đẳng như nhau.
Ngoài ra, Luật siết chặt lại khâu quản lý, sử dụng đất hiệu quả hơn; hạn chế tình trạng "chạy" dự án, "ôm" dự án, giới hạn việc phân lô bán nền. Cùng với đó, Luật quy định nhà đầu tư bất động sản và doanh nghiệp khi đầu tư vào đất đai phải có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm để đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả.

* Dự án "treo" vẫn là thách thức đối với công tác quản lý đất đai ở các địa phương. Vậy, Luật mới giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch. Việc lựa chọn chủ đầu tư để giao đất, cho thuê đất sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn. Chủ đầu tư phải ký quỹ theo quy định, đồng thời, phải có năng lực tài chính qua báo cáo tài chính và kiểm toán, để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư.

Với những chế tài mạnh hơn, Luật Đất đai 2013 được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt các dự án “treo”. Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra, Luật đã quy định chế tài xử lý với các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Cụ thể, luật cho phép dự án chậm tiến độ hơn so với quy định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất. Các dự án vi phạm sẽ được công khai để tránh tình trạng chủ đầu tư vi phạm ở chỗ này lại sang chỗ khác xin giấy phép đầu tư. 

* Có ý kiến cho rằng, nếu một cơ quan Nhà nước vừa có thẩm quyền quyết định về đất đai, lại có quyền quyết định về giá đất, sẽ xảy ra tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", dẫn đến nguy cơ tham nhũng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này, khi Luật Đất đai 2013 vẫn quy định bảng giá đất giao cho UBND cấp tỉnh xây dựng?

- Nhận định như vậy là thiếu chính xác. Tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" ở cấp tỉnh sẽ giảm đi, bởi giá đất do Nhà nước quy định để giải quyết các mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân. Điều 113 của Luật Đất đai 2013 quy định: Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất, Chính phủ sẽ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.

Căn cứ vào khung giá đất do Chính phủ ban hành, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Theo đó, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất trên thị trường có biến động, UBND cấp tỉnh sẽ điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế.

Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT