Một số dự án từng là điểm “sốt” của thị trường đến nay giá thứ cấp giảm xuống còn khoảng từ 30-50% tùy vào từng khu vực, dự án. Nguy cơ ế ẩm có thể kéo dài 5-10 năm với biệt thự vùng ven.
Ôm hàng chục tỷ chôn vùi trong đất
Sở hữu hai lô biệt thự tại một dự án ở Bắc An Khánh, anh Nguyễn Tuấn Hùng, một chuyên viên môi giới BĐS, đang đau đầu tìm cách bán hàng. Năm lần bảy lượt rao bán trên nhiều diễn đàn, anh Hùng vẫn vô vọng bởi số người hỏi mua hầu như không có, chỉ vài cuộc điện thoại của các trung tâm môi giới và website rao vặt mời anh ký gửi.
Thời gian đóng tiền để bàn giao nhà đang tới gần, anh Hùng không biết xoay xở vào đâu số tiền còn lại. Anh Hùng cho hay, mắc kẹt hai lô biệt thự hàng chục tỷ đồng ở đây như một gánh nợ lớn. Hiện, nhiều nhà đầu tư như anh Hùng đang rao bán với giá gốc chấp nhận mất số tiền chênh hàng tỷ đồng để tháo chạy nhưng không được.
Sau thời gian bị đẩy giá lên cao, biệt thự đất nền tại nhiều dự án rớt giá thảm hại. Chính vì thế, phân khúc này không còn là "mảnh đất vàng" đối với nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư không kịp "lướt" đành phải chấp nhận ôm hàng chục tỷ đồng chôn vùi trong đất. Thực trạng biệt thự xây xong, các chủ đầu tư tìm đủ mọi cách mời người mua tới bàn giao nhà cũng không được đang diễn ra tại nhiều dự án. Đơn cử như khu đô thị mới An Hưng, Hà Đông gần như đã cơ bản hoàn thành, thế nhưng, hàng trăm biệt thự, liền kề... bơ vơ vì khách hàng không chịu nhận nhà, còn chủ dự án trở thành chủ nợ bất đắc dĩ.
Giá biệt thự giảm mạnh nhưng vẫn không có người mua. (Ảnh: D.A)
|
Mặc dù dự án có thông báo bàn giao nhà cho khách hàng từ giữa năm 2012, nhưng nhiều khách hàng tỏ ra thờ ơ khi đến thời điểm nhận nhà. Bởi khi nhận nhà khách hàng phải nộp 10-20% số tiền còn lại, song không phải ai cũng có tiền để nộp. Nhiều khách hàng là người đầu cơ, khi thị trường "đóng băng", họ chấp nhận bán tháo, hoặc bỏ hoang.
Một chủ đầu tư dự án dọc quốc lộ 32 cũng ngán ngẩm với cảnh ngồi chờ đợi người mua tới nhận nhà. "Trong khi nhiều dự án chậm tiến độ, người mua kiện cáo để đòi nhà thì ở dự án của chúng tôi xây xong không ai tới nhận. Đúng là một nghịch lý", đại diện chủ đầu tư cho hay.
Lý do hầu hết người mua vẫn không chịu tới nhận nhà bởi phải đóng nốt số tiền còn lại cũng hàng tỷ đồng. Chủ đầu tư cho biết, họ đang phải khổ sở xử lý số tiền nợ các nhà thầu cũng như tăng chi phí vận hành, bảo dưỡng các ngôi nhà bỏ hoang.
Thị trường bất động sản đóng băng, hệ lụỵ của nó là tranh chấp và xung đột về lợi ích. Khi "cơm không còn lành, canh chẳng ngọt", người mua còn tìm đủ mọi cách để trì hoãn thậm trí là hủy bỏ hiệu lực của hợp đồng bằng việc moi những thông tin trước đây của chủ đầu tư ra để kiện cáo, đòi quyền lợi.
Với tình trạng này, không ít chuyên gia đã ngao ngán khi đưa ra dự báo, các khu biệt thự xa trung tâm có thể sẽ ế ẩm đóng băng trong 5-10 năm tới dù giá có thể giảm tới 50%. Thực tế, đã có không ví dụ như: các khu biệt thự ở Tiên Sơn - Bắc Ninh; Sóc Sơn Mê Linh... để hoảng không dưới 5 năm nay không bán được.
Nhan nhản biệt thự bỏ hoang
Cơn sốt bất động sản đi qua, hàng loạt các dự án biệt thự liền kề tại Hà Nội rơi vào tình trạng bỏ không, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Dọc quốc lộ 32, đại lộ Thăng Long hay khu vực Hà Đông,... nhiều ngôi biệt thự tiền tỷ xây xong cửa đóng then cài, không bóng người ở. Ven đô nhan nhản các dự án hoang.
Nhiều khu đô thị không bóng người. (Ảnh: D.A)
|
Số liệu thống kê của 13 chủ đầu tư cho thấy, Hà Nội đang tồn kho 5.875 căn nhà. Tuy nhiên, theo các công ty BĐS, con số thực tế cao hơn rất nhiều. Báo cáo của Savills VN, thanh khoản của thị trường vẫn thấp. Giá chào thứ cấp bình quân của toàn thị trường giảm so với quý trước ở mức -13% đối với biệt thự và -9% đối với liền kề.
Nhiều dự án tại vùng 2, đặc biệt là Mê Linh và Hoài Đức, trong quý này không có khách hỏi mua. Giá chào bình quân thứ cấp tại vùng 1 từ 41,7 đến 158 triệu đồng/m2, trong khi tại vùng 2 dao động từ 9,4 đến 54 triệu đồng/m2. Quận Cầu Giấy, Tây Hồ và Từ Liêm có giá chào bình quân thứ cấp cao nhất với mức hơn 108 triệu đồng/m2 đối với biệt thự và nhà liền kề. Hầu hết các dự án thuộc vùng 2 đều có giá chào dưới 20 triệu đồng/m2.
Theo CBRE VN, trong số khoảng 9.000 căn hoàn thiện tại các khu đô thị trong vòng 3 năm trở lại đây, ước tính khoảng 60% chưa có người ở. Giá trị vốn hóa sẽ tiếp tục giảm nếu tiện ích không được bổ sung kịp thời. Đại diện đơn vị tư vấn này cho rằng, đầu tư hiện nay chủ yếu là dài hạn, do đó tiềm năng cho thuê là một yếu tố quan trọng hơn trong các quyết định đầu tư.
Xu hướng đầu cơ tuy đã giảm đáng kể nhưng thị trường vẫn khá nhạy cảm với hiện tượng này, đặc biệt khi các kênh đầu tư khác còn hạn chế. Người mua để ở vẫn không vội vàng đưa ra quyết định mua nhà vì họ có nhiều lựa chọn hiện tại cũng như trong tương lai khi có thêm nhiều dự án hoàn thành.
CBRE cho rằng, các cơ sở hạ tầng điện, nước, trường học, chợ, dịch vụ giải trí cần phải được bổ sung để thu hút người vào ở. Trong những quý tới, giá chào bán dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Savills VN đánh giá, nhu cầu đối với thị trường biệt thự nhà liền kề hiện đang thấp hơn so với nguồn cung sẵn có do người mua vẫn đang chờ một mức giá thấp hơn nữa. Nguồn cung tương lai của thị trường biệt thự nhà liền kề đến từ 76 dự án nằm rải rác tại 14 quận với tổng diện tích 10.200 ha đất.
"Số lượng dự án tương lai là không đổi so với quý trước, và có khả năng vẫn tiếp tục duy trì ở mức này do Hà Nội đang dự định ngừng cấp phép cho các dự án nhà ở thương mại nằm ở Hà Nội từ nay cho đến cuối năm 2014", bà Hằng nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: