Top

Giảm áp lực về cung - cầu nhà ở

Cập nhật 05/09/2009 09:55

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh sách 88 dự án phát triển nhà ở cho hơn 330.000 sinh viên trên địa bàn cả nước và kế hoạch phân bổ 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2009 cho các đơn vị có liên quan thực hiện chương trình này.

Cụ thể, số tiền được phân chia cho các dự án của 28 địa phương và 2 bộ là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Các đơn vị trọng điểm, gồm Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng và Cần Thơ, được bố trí 1.935 tỷ đồng, chiếm 55,3% tổng số vốn.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, năm 2010, riêng số vốn trái phiếu chính phủ để thực hiện dự án phát triển nhà ở sinh viên là 4.758 tỷ đồng.

Tại Hội thảo “Nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Hà Nội” vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội chính là giải pháp hữu hiệu để giải quyết nhu cầu nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thấp trong thời gian tới. Chương trình cũng sẽ góp phần điều tiết cung - cầu bất động sản vốn rất mất cân đối thời gian vừa qua.

Ông Ngô Huy Giao (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhiều dự án nhà cho thuê, sẽ làm cán cân cung - cầu thị trường bất động sản trở nên cân bằng hơn. áp lực cung - cầu giảm sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, nhà ở sẽ có cơ hội đến tay người có nhu cầu ở thực sự, chứ không chỉ là hàng hoá trao tay giữa những người nhiều tiền như thời gian vừa qua.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), từ tháng 6/2009 đến nay, có khoảng 20 dự án nhà ở xã hội được khởi công tại các địa phương. Số dự án có thể khởi công trong quý III/2009 là 25 dự án, với quy mô 245.679 m2 sàn. Những dự án có thể khởi công trong quý IV/2009 và năm 2010 là 23 dự án.

Nếu các dự án được thực hiện đúng tiến độ, thì đến cuối năm 2011, sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 439.000 người. Trong 2 năm 2009 - 2010, các địa phương cũng sẽ triển khai xây dựng 13 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Khi hoàn thành, các dự án sẽ đáp ứng chỗ ở cho 135.000 người. Các dự án này sẽ giải quyết cơ bản tình trạng công nhân phải thuê nhà trọ với giá đắt như thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, theo những người có trách nhiệm liên quan đến Chương trình Phát triển nhà ở xã hội thì Nhà nước đang thiếu một hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng các dự án này. Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, một vấn đề hóc búa mang tính “bản lề” của thị trường nhà giá rẻ hiện nay là việc tạo quỹ đất. Tạo được cơ chế cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với quỹ đất sạch có thể xem là đã giải quyết được một nửa sự ngại ngần của nhà đầu tư đối với nhà ở xã hội.

Ông Trần Minh Quý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho rằng, cơ quan chức năng cần có một hệ thống văn bản chi tiết quy định việc phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tín dụng đến công tác quản lý, xác định đối tượng thụ hưởng, giúp các chủ đầu tư có cơ sở để triển khai các dự án cũng như nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc.

Ông Quý kiến nghị, trước mắt, những cơ chế về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn nên được thực hiện giống như nhà ở cho sinh viên, nghĩa là vẫn cần được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, bởi theo ông, với một cơ chế quản lý khai thác nhà ở xã hội chưa rõ ràng, sẽ khó tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia thị trường này.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư