Quỹ tiết kiệm nhà ở cho người dân không những góp phần giải bài toán vốn để phát triển nhà ở mà còn là kênh “bắc cầu” cho người nghèo có cơ hội mua nhà ở.
"Xét về tương lai lâu dài cho thị trường nhà ở xã hội nếu phát triển nhà theo hướng thương mại thì người nghèo rất khó tiết kiệm để mua được nhà và họ cần có sự hỗ trợ. Quỹ tiết kiệm nhà ở cho người dân không những góp phần giải bài toán vốn để phát triển nhà ở mà còn như cái “ván” để “bắc cầu” cho người nghèo mua nhà", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định.
* Thưa Thứ trưởng, hiện nay nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn, nhật là tại các khu đô thị và TP lớn. Tuy nhiên, giá BĐS quá cao so với thu nhập bình quân của người dân khiến họ rất khó để mua được nhà ở. Theo ông, phải giải quyết vấn đề này thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam |
Một trong những khiếm khuyết, bất cập của thị trường BĐS hiện nay đó là giá cả BĐS, đặc biệt là giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế, từ đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và làm cho việc tạo lập nhà ở của đại bộ phận các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, chương trình nhà ở xã hội cũng đang được đẩy mạnh, tuy nhiên để có nguồn vốn dài hơi cho các chương trình nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đưa ra giải pháp lập quỹ tiết kiệm nhà ở như hình thức bảo hiểm xã hội. Theo đó, các đối tượng lao động trích nộp một phần thu nhập, khoảng 3%-5% thu nhập hàng tháng để gửi vào quỹ này. Quỹ sẽ cho vay đầu tư các dự án nhà ở xã hội và cho các đối tượng tham gia gửi tiết kiệm vào quỹ vay để thuê, mua nhà ở giá thấp.
* Nói như Thứ trưởng thì mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở rất hiệu quả. Vậy vì sao đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thể lập được quỹ này?
Giải pháp lập quỹ tiết kiệm này đã được nhiều nước áp dụng hiệu quả. Quỹ này sẽ có cơ quan quản lý, tổ chức sử dụng. Khi người đó nghỉ hưu sẽ được rút về cộng với một ít lãi suất mang tính hỗ trợ trượt giá. Số tiền này sẽ cho những người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất chỉ bằng 1/4 - 1/5 so với vay của ngân hàng thương mại.
Đây thực sự là cách để “bắc cầu” cho dân nghèo, những người có thu nhập thấp có cơ hội được mua nhà. Tuy nhiên, khi Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp này và đã đưa ra bàn thảo khá lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được do có nhiều quan điểm khác nhau.
* Vậy những quan điểm khác nhau đó là gì, thưa Thứ trưởng?
Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, hiện nay tất cả những người đi làm có thu nhập đều phải gửi vào quỹ tiết kiệm nhà ở, kể cả những người lương thấp vì mỗi tháng mỗi người chỉ phải nộp 1% của mức lương.
Tôi nghĩ con số này chẳng đáng là bao, nếu một người đi làm với mức lương khoảng 3 triệu/tháng thì chỉ phải nộp 30 nghìn đồng vào quỹ tiết kiệm. Ước tính cả nước hiện có khoảng 9 triệu người đi làm công ăn lương, chỉ cần mỗi người đóng vào 1% thu nhập hàng tháng thì con số của quỹ là cực kỳ lớn. Chỉ có như thế thì những người chưa có nhà mới có cơ hội có nhà ở.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, những người có nhà rồi thì không đóng góp vào quỹ tiết kiệm về nhà ở, tuy nhiên nếu nói như vậy thì cũng rất khó khăn cho những người chưa có nhà ở bởi những người chưa có nhà ở hầu hết là những người nghèo không đủ tiền để mua nhà, nay lại phải góp vào quỹ tiết kiệm nhà ở, và những người chưa có nhà góp với nhau thì sẽ rất lâu họ mới có cơ hội được mua nhà.
Thử hỏi, những người thu nhập thấp, chưa có nhà mà tự góp với nhau thì đến bao giờ mới có đủ tiền để có thể mua nhà?
* Theo Thứ trưởng thì quỹ tiết kiệm nhà ở có nên triển khai bắt buộc không?
Quỹ tiết kiệm nhà ở nên triển khai bắt buộc. Nếu tự nguyện, lại chỉ có người nghèo đóng với nhau thì số tiền thu được để cho một người mua nhà sẽ rất lâu, chưa kể, ai cũng có nhu cầu nhà ở thì những người nghèo không biết chờ đến bao giờ mới tới lượt.
Vì vậy, huy động mọi người có thu nhập trong xã hội, bất kể thành phần kinh tế nào, có nhà hay không cũng trích một phần rất nhỏ của quỹ lương vào quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội. Những người không có nhu cầu về nhà, khi về hưu, họ được rút toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi.
* Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, mỗi người tham gia vào quỹ tiết kiệm nhà ở phải nộp 3% quỹ lương hàng tháng, tuy nhiên nhiều ý kiến lại cho rằng, con số đó quá cao so với mức thu nhập của những người làm công ăn lương. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Nộp bao nhiêu cũng đang là vấn đề tranh cãi, theo tôi được biết thì ở các nước khác người tham gia vào quỹ tiết kiệm nhà ở họ phải nộp vào quỹ là 7%/ tháng.
Lúc đầu chúng tôi cũng đề xuất 3%, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng 3% là nhiều quá bởi những người như công nhân với đồng lương thấp thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy hiện nay chúng tôi đã đề xuất rút xuống 1%.
* Vậy hình thức hoạt động của quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ như thế nào thưa Thứ trưởng? Quỹ tiết kiệm nhà ở nếu nộp khoảng 5-10 năm thì những ai chưa có nhà sẽ được vay. Đồng thời cũng có thể cho doanh nghiệp vay để xây nhà và cho người dân vay để mua nhà.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: