Top

FDI kỳ vọng vào những bước chuyển

Cập nhật 09/06/2009 09:30

Tỷ lệ tăng vốn và tốc độ giải ngân của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, đằng sau đó, vẫn là những cảnh báo.

Những dấu hiệu tốt

Không nhắc lại mức tăng vốn kỷ lục, lên tới trên 3,8 tỷ USD, của Công ty TNHH Winvest Investment cho dự án Khu du lịch nghỉ mát đa năng Sài Gòn Atlantis Hotel tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các dự án tăng vốn đều ở mức trung bình, khoảng vài triệu đến hơn vài chục triệu USD. Có thể kể tới các dự án như Nhà máy Sửa chữa đóng tàu Sài Gòn tăng 20 triệu USD, Công ty TNHH Khải Đệ Việt Nam tăng 25 triệu USD, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng tăng 12 triệu USD…

Trong số này, lĩnh vực có mức tăng vốn lớn nhất (đã loại trừ lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống) là nhóm công nghiệp chế tạo, chế biến. Tiếp đó là xây dựng; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa và vận tải kho bãi. Số dự án tăng vốn tập trung lớn nhất ở TP.HCM với khoảng 20 dự án. Các đối tác truyền thống của Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản vẫn là các quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ các dự án tăng vốn.

Ông Martin Rama, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã nhìn thấy ngay tín hiệu tốt từ những thông tin này, cho dù số lượng dự án FDI đăng ký mới trong thời gian này vẫn đang giảm. “Các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu đang tranh thủ cơ hội giảm giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhất là nhóm hàng vật liệu xây dựng”, ông Rama nhận định và cho rằng, chính sự vận động này của giới đầu tư sẽ có tác động nhất định tới thị trường.

Cũng có thể thấy rằng, các dấu hiệu phục hồi của một số ngành đang được giới đầu tư nước ngoài nắm bắt sớm. Trong khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các ngành đang thể hiện dấu hiệu phục hồi trong quý II này là xây dựng, bán buôn, vận tải…

Nhìn vào danh mục các dự án tăng vốn, có thể thấy những lĩnh vực này đang nhận được thêm dòng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng chính là nhóm doanh nghiệp có tác động rất lớn tới giải ngân vốn FDI, đạt mức 2,8 tỷ USD, trong thời điểm khó khăn này.

Gánh nặng trên vai địa phương

Thay vì con số khoảng 8 - 9 tỷ USD đã được đưa ra trước đây, nhiều người đã kỳ vọng về mức giải ngân vốn FDI năm 2009 tương tự như năm 2008, có nghĩa là lên tới khoảng 11,5 tỷ USD. Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những chuyến làm việc với các địa phương cho thấy, tình hình hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài khá thuận.

“Nếu có các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư, đặc biệt với các dự án đã sẵn sàng về vốn, đất đai, giảm thiểu thủ tục hành chính, thì 7 tháng còn lại có thể giải ngân khoảng 9 tỷ USD”, ông Thắng dự báo.

Tuy nhiên, trước những áp lực về đất đai, thủ tục hành chính mà các dự án FDI đang vướng phải, ông Thắng thừa nhận rằng, nút tháo cho giải ngân FDI vào lúc này phụ thuộc nhiều hơn vào hành động của các địa phương, thay vì năng lực của các nhà đầu tư. Song, sự chủ động này lại đang trong thế khá bị động.

Ngay với dự án tăng vốn kỷ lục của Bà Rịa - Vũng Tàu, thì thời gian khởi công vẫn đang treo cùng với tiến độ giao mặt bằng. Phía chủ đầu tư, Công ty Winvest Investment Việt Nam đã ứng trước tiền thuê đất là 98 tỷ đồng, và cam kết tiếp tục ứng thêm, để hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa nhận được diện tích đất theo cam kết.

Ông Peter Luu, Chủ tịch Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam khẳng định, sẽ khởi công sau 2 tháng khi đợt giao đất đầu tiên được thực hiện. Không chỉ một dự án này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang kẹt khá nhiều dự án do thiếu 6.000 tỷ đồng cho kinh phí giải phóng mặt bằng. Hiện, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã phải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ. Đây cũng là đề nghị của khá nhiều địa phương khi bàn về giải pháp tháo gỡ cho giải ngân các nguồn vốn đầu tư.

Cũng phải nói rằng, theo khảo sát của CIEM, tốc độ xem xét cấp giấy chứng nhận các dự án đầu tư mới đang chững lại. Nhiều địa phương đã thay đổi ưu tiên về số dự án cấp mới sang hướng quan tâm đến các điều kiện đảm bảo các dự án được giải ngân nhanh. Như vậy, sự chậm lại của số vốn FDI đăng ký mới, ở một khía cạnh khác lại hàm chứa tín hiệu về sự cẩn trọng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư