Nhiều cam kết đầu tư bị huỷ bỏ. Nhiều dự án chậm giải ngân, chậm tiến độ. Đó chỉ là một phần trong bức tranh thu hút và triển khai vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
6 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ thu hút được gần 9 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, bằng khoảng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một con số tương đối lạc quan trong bối cảnh suy thoái kinh tế và làn sóng cắt gỉam đầu tư khắp thế giới. Điều đáng quan tâm bây giờ không phải là con số thấp, mà là cơ cấu FDI đang bộc lộ nhiều yếu tố bất hợp lý, không có lợi cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
KCN Đình Vũ - Hải Phòng nằm sát khu cảng biển có vị trí hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng 6 tháng đầu năm nay, KCN này không có thêm dự án mới nào. Bãi đất 3ha chỉ chiếm 3% tổng diện tích khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng. Trước thời điểm suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã thỏa thuận thuê hết 3 ha còn lại trong khu Nomura trong năm nay. Nhưng đến nay, chưa có nhà đầu tư nào thực hiện thỏa thuận.
Ông Hồ Đình Tiến, Phó TGĐ Công ty phát triển KCN Nomura, Hải Phòng cho biết: “Không phải là tương đối khó khăn mà là cực kì khó khăn. So với cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm, cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực, cuộc khủng hoảng này mở rộng về quy mô và hậu quả lớn hơn rất là nhiều”.
Tại Hải Phòng, 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng kí chỉ bằng 6% của cùng kì năm ngoái. Trên phạm vi cả nước, FDI 6 tháng đầu năm đạt 8,87 tỉ USD, gồm khoảng 4,7 tỉ USD vốn đăng ký mới và 4,1 tỷ USD vốn tăng thêm của các dự án đã đăng ký từ trước.
Như vậy, tổng số vốn FDI thu hút trong 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng hơn 1/5 cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng: trong bối cảnh suy thoái kinh tế và làn sóng cắt giảm đầu tư trên toàn cầu, đây vẫn là một kết quả lạc quan.
Ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ Tịch UBND thành phố Hải Phòng nói: “Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng là không lớn lắm vì dù sao vẫn còn những nhà đầu tư vẫn đến đầu tư tại TP Hải Phòng. Điều đó minh chứng cho hai vấn đề: một là môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới là vẫn có cơ hội, vẫn có những cái thuận lợi, vẫn có những cái hấp dẫn đối với những nhà đầu tư”.
Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương: “Trong bối cảnh hiện nay, con số 9 tỷ USD là một con số rất cao. Ta không nên so sánh với năm 2008 bởi vì đó là 1 năm thực sự là hết sức đột biến trong cái đăng ký đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và có lẽ là không có năm nào có thể đạt được một kỉ lục hoặc vượt được một kỉ lục như thế nữa”.
Số vốn FDI thấp không phải là vấn đề trong bối cảnh hiện nay. Nhưng nếu nhìn vào cơ cấu phân bổ theo vùng lãnh thổ, 6 tháng đầu năm nay, FDI chủ yếu tập trung vào những khu vực đã có dấu hiệu quá tải về đầu tư và căng thẳng vào đất đai. Trong 8,87 tỉ USD FDI của nửa đầu 2009, có tới 6,46 tỉ USD được đăng kí triển khai tại Bà Rịa Vũng Tàu, chiếm tới 73% tổng vốn đăng ký.
Trong cơ cấu ngành hàng, FDI 6 tháng đầu năm, 50% đăng kí vào dịch vụ lưu trú, ăn uống; 16,5% vào bất động sản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ lưu trú, khách sạn thực tế cũng là dự án bất động sản. Như vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản 6 tháng đầu năm lên tới gần 6 tỉ đô la, bằng 76,5% tổng vốn đăng ký.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho biết thêm: “Có khoảng 6 tỷ USD đã được đăng kí vào bất động sản và khách sạn, đây là lĩnh vực mà theo tôi nó không mang lại nhiều giá trị gia tăng và năng lực sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế, để đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm mới trong sự phát triền về năng suất”.
Những dự án FDI bị bỏ dở do nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn kinh tế chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể về FDI tại Việt Nam 6 tháng đầu năm. Dự báo, có thể sẽ còn nhiều dự án FDI bị trì hoãn hoặc huỷ bỏ như vậỵ trong năm nay. Theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài, năm 2009, Việt Nam sẽ chỉ thu hút mới được khoảng 20 tỷ đô la và giải ngân khoảng 8 tỉ USD vốn FDI – chưa bằng 30% so với năm ngoái.
Những con số này không cao về giá trị tuyệt đối. Nhưng có lẽ, bên cạnh chuyện cao thấp của số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã đến lúc phải điều chỉnh để có được một cơ cấu FDI có thể đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thay vì cơ cấu chỉ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: