Top

Ế vì “lô cốt”: Được giảm thuế

Cập nhật 04/03/2009 08:45

"Trước làm hổng hết việc, chỉ mong được nghỉ tay chút chút. Giờ thì cả ngày chẳng có khách nào đến. Chỉ mong được bận rộn như trước mà hổng được".

Những ngày này, người dân TP.HCM đang phải gánh chịu hậu quả của việc rào “lô cốt” đào đường thi công các dự án như bụi bặm, tiếng ồn, đi lại khó khăn. Cực hơn nữa là nhiều hộ kinh doanh bị “lô cốt” dài hàng chục, hàng trăm mét chắn trước nhà ngày này qua ngày khác khiến họ ế ẩm hoặc phải đóng cửa.

Đường Nguyễn Biểu buồn

Ông Nguyễn Văn Út (tiệm sửa xe số 47 Nguyễn Biểu, quận 5) ngao ngán nói: “Đường này trước kia là đường Nguyễn Biểu vui bây giờ là Nguyễn Biểu buồn vì “lô cốt” chình ình trước nhà vậy, ai mà vô sửa xe được. Chúng tôi chỉ còn biết ngồi đuổi ruồi, đuổi muỗi thôi”. Theo các hộ dân ở đây, dự kiến đến ngày 20-12-2008, “lô cốt” sẽ được tháo dỡ. Qua Tết Kỷ Sửu, đơn vị thi công đã nhổ bảng ghi thời hạn công trình nhưng “lô cốt” vẫn còn đó. Anh Thành Mẫn (nhà 45A Nguyễn Biểu) nghi ngờ: “Vài ngày trước, tôi thấy người ta thông báo đến hết tháng 5 (năm 2009 - PV) mới xong công trình. Nhưng họ ghi vậy, tụi tui biết vậy chớ chưa chắc đã xong đúng hẹn à!”. Cạnh tiệm anh Mẫn là tiệm sửa xe của ông Ngô Tấn Thành. Từ ngày có cái “lô cốt” mọc lên trước nhà, tiệm ông cũng rơi vào tình trạng làm ăn ế ẩm. “Trước làm hổng hết việc, chỉ mong được nghỉ tay chút chút. Giờ thì cả ngày chẳng có khách nào đến. Chỉ mong được bận rộn như trước mà hổng được!” - ông Thành phàn nàn.

Ông Thành và anh Mẫn còn may mắn vì không phải chi tiền thuê mặt bằng. Những hộ thuê mặt bằng cùng dãy với ông Thành đã lần lượt trả lại mặt bằng vì không bán buôn được gì. Các tiệm còn bám trụ đến bây giờ đều được quận giảm bớt tiền thuế hàng tháng.

Tương tự, cửa hàng buôn bán sắt thép của bà Ngô Thị Mười (220 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10) hơn một năm nay cũng ế dài cổ chỉ vì cái “lô cốt” dựng lên trước nhà. Bà Mười than thở nếu “lô cốt” kéo dài thêm khoảng sáu tháng nữa thì bà phải trả mặt bằng, tìm chỗ khác kinh doanh. Trong khi đó, trên bảng dự án cải thiện môi trường nước TP cho biết công trình này sẽ thi công đến ngày 20-8-2009.

Thuế giảm theo doanh thu


Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết lâu nay ngành thuế vẫn thực hiện thu thuế theo doanh thu. Doanh thu nhiều thì thu thuế nhiều, doanh thu ít thì thu thuế ít. Đối với doanh nghiệp, sẽ thu thuế dựa trên doanh thu chứng minh qua sổ sách, chứng từ. Do đó, việc tăng, giảm thuế sẽ rõ ràng theo doanh thu. Nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng doanh thu do đào đường thì thuế cũng sẽ giảm tương ứng.

Riêng các hộ kinh doanh cá thể vì bất cứ lý do gì làm doanh thu giảm sút thì phải báo cho cơ quan thuế biết để được điều chỉnh mức thuế cho phù hợp. Hộ kinh doanh cá thể phải đến chi cục thuế quận, huyện mình đề nghị giảm thuế. Sau khi nhận được đề nghị của người dân, cơ quan thuế sẽ đến kiểm tra tình hình thực tế, nếu đúng thì sẽ điều chỉnh mức thuế giảm xuống tương ứng với doanh thu bị giảm.

Ông Đặng Khắc Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1, cho biết từ năm 2007, quận đã thực hiện giảm thuế cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do đào đường. Như trước Tết, khi thi công công trình cầu Calmette phải đào một số đoạn đường thì các hộ kinh doanh trong khu vực chợ Dân Sinh gần đó đều được đóng thuế thấp hơn bình thường.

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM:

Sẽ đề nghị UBND TP cho giảm thuế

Việc đào đường, lập rào chắn là buộc phải làm để giúp thành phố xử lý vấn đề nước thải và tình hình ngập nước. HĐND TP ghi nhận ý kiến đề nghị giảm thuế cho các hộ kinh doanh buôn bán khó khăn do bị ảnh hưởng từ việc đào đường để thông tin đến UBND TP xem xét giảm thuế cho các hộ này.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP