Top

Đường đến gói 30.000 tỉ còn đủ loại khó khăn

Cập nhật 17/06/2014 15:02

Thủ tục để vay tiền trong gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà ở xã hội vẫn còn đầy những vướng mắc. Cuộc họp của Thường trực UBND TPHCM với Ban chỉ đạo Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản thành phố trong sáng nay, 17-6, nhằm giải tỏa những vướng mắc này, nhưng vẫn chưa tìm được lối ra.

Chung cư Gia Phú, đường Lê Văn Chí, quận Thủ Đức, TPHCM - nơi chủ đầu tư bị khách hàng khiếu nại vì tình trạng một căn hộ bán cho nhiều người. Ảnh: Mạnh Tùng

Thủ tục cho vay mua nhà ở xã hội nhiều phức tạp

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh TPHCM, cho biết tính đến cuối tháng 5-2014 tại TPHCM các ngân hàng đã ký cam kết cho 799 cá nhân và một doanh nghiệp vay với tổng số tiền cam kết là 989 tỉ đồng. Đây là số tiền nằm trong gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được triển khai từ đầu tháng 6-2013.

Ông Minh cho rằng, thủ tục công chứng nhà ở hình thành trong tương lai để mang ra thế chấp còn nhiều vướng mắc, từ đó hạn chế cơ hội của người dân trong việc vay gói tín dụng này cũng như có được nhà ở xã hội.

Còn ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng thủ tục cho vay của ngân hàng hiện nay còn nhiều phức tạp.

Ông Tín lấy ví dụ, một người là viên chức muốn vay vốn trong gói 30.000 tỉ đồng thì ngân hàng đòi hỏi giấy xác nhận chưa từng sở hữu nhà ở. Khi người đó về cơ quan xin giấy xác nhận thì cơ quan chỉ có thể xác nhận người này hiện chưa có nhà ở trong thời điểm hiện tại, chứ không thể chắc chắn để xác nhận người này chưa từng có nhà trong quá khứ.

Do đó, quy định chưa từng sở hữu nhà ở là gây khó cho người mua nhà và các cơ quan, địa phương.

Ngoài ra, ông Tín cho rằng lãi suất cho vay gói 30.000 tỉ là 6% hiện vẫn còn cao.

“Thu nhập trung bình của công nhân viên chức hiện nay chỉ là 8 triệu đồng, mỗi tháng chỉ để dành cùng lắm được 2-3 triệu đồng cho nhu cầu nhà ở mà thôi. Nhìn từ đó thì chúng ta phải xem xét để điều chỉnh thế nào để họ có được nhà ở xã hội”, ông Tín nói.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM, nhận định thị trường bất động sản hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, nhà ở cao cấp đang thừa nhiều, trong khi nhà cho người thu nhập thấp lại quá ít.

Ông Quân nêu thêm dẫn chứng, nhiều dự án tốt, hình thành rồi nhưng không tiêu thụ được, nhiều chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo khách hàng như huy động vốn nhưng không giao nhà, một căn hộ bán cho nhiều người...

Ông chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết những bất cập này, đồng thời, khẳng định: nhà ở xã hội luôn nằm trong chương trình an sinh xã hội được thành phố quan tâm.

Hạn chế chia nhỏ căn hộ ở khu trung tâm

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết hiện tại TPHCM đang có 32 dự án xin chuyển đổi tính năng, trong đó 11 dự án xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, 21 dự án xin điều chỉnh thành dự án nhà ở thương mại có diện tích vừa và nhỏ (diện tích dưới 70 mét vuông). Mục đích của các chủ đầu tư khi xin chuyển đổi là để tiếp cận được với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư đã xin phép chia nhỏ căn hộ diện tích lớn thành căn hộ diện tích nhỏ vì nhu cầu loại căn hộ nhỏ đang rất lớn.

Ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở Xây dựng nếu đã cho phép các dự án được chuyển đổi thì phải đẩy nhanh tiến độ để tạo ra nguồn nhà ở cho người dân.

Về vấn đề chia nhỏ căn hộ thương mại, theo ông Tín, là phải hạn chế việc cấp phép trong nội thành, đặc biệt là trong Khu quy hoạch trung tâm 930 hecta.

Tại các khu vực ngoại thành, việc chia nhỏ căn hộ cần xem xét các yếu tố kết cấu hạ tầng, điều kiện xã hội mới cấp phép.

Cũng theo ông, việc cấp phép chia nhỏ căn hộ cho các chủ đầu tư cần được làm cẩn trọng để tránh tình trạng “điều chỉnh cho người này mà không điều chỉnh cho người khác”.

Ngoài ra, ông Tín nhắc nhở Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cần lưu ý đến tính đồng bộ trong kết cấu hạn tầng với các dự án nhà ở. Theo ông Tín, nhiều dự án hiện nay có hệ thống giao thông, điện nước rất kém nhưng dân số lại đông đã tạo ra ùn tắc cục bộ, gây khó khăn trong quản lý xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG