Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu quan điểm như vậy tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sáng qua 14-3.
ĐBQH kiến nghị thay quy định “thu hồi” bằng “trưng mua” quyền sử dụng đất. Ảnh: N.T
|
ĐB Lê Thị Nga nhận định, thực trạng tham nhũng, khiếu kiện về đất đai thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ quy định cũng như cách thức tổ chức thực hiện cơ chế thu hồi đất.
Vì vậy, trước khi Hiến pháp hóa quy định về thu hồi đất, rất cần trả lời câu hỏi dựa trên căn cứ, lý luận nào để chúng ta thu hồi tài sản của các tổ chức, cá nhân?
Nếu chúng ta coi đây là quyền tài sản đặc biệt thì việc Nhà nước đứng ra thu hồi quyền sử dụng đất cũng phải hết sức có giới hạn, chỉ nên dừng ở lý do thật cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh, lợi ích công cộng, các dự án phi lợi nhuận.
ĐB Nga cho rằng, tuy là quyền phái sinh (tức là quyền của người không phải là chủ sở hữu), nhưng quyền sử dụng đất hiện nay của tổ chức, cá nhân về thực chất đã tiệm cận với các quyền năng của chủ sở hữu. Hơn nữa, quyền sử dụng đất cũng được nhìn nhận với tư cách là một quyền tài sản.
Tại điều 23 Hiến pháp hiện hành quy định: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.
Trong khi đó, Hiến pháp hiện hành không quy định về thu hồi tài sản nói chung và tài sản là quyền sử dụng đất nói riêng. Như vậy, phải chăng tinh thần của Hiến pháp 1992 là không thừa nhận việc dùng pháp luật hành chính (đặc trưng là mệnh lệnh, phục tùng, không thỏa thuận...) để điều chỉnh việc thu hồi đất? Đây là điểm rất đáng lưu ý, cần có sự đánh giá cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Cũng theo ĐB Nga, quy định thu hồi đất vì mục đích “để phát triển kinh tế” là quá rộng, dễ bị lạm dụng. Điều 40 Luật Đất đai quy định “nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án lớn theo quy định của Chính phủ”.
Nhưng nghị định, văn bản hướng dẫn lại giải thích các dự án đầu tư lớn rất khác nhau, từ đó có thể tùy nghi giải thích lý do cần phải thu hồi đất như dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch...
“Đề nghị bỏ quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì sau này dễ bị hiểu rất rộng, dễ bị lạm dụng, gây thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi” - ĐB Nga kiến nghị.
Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng việc thu hồi đất cần phải đảm bảo quyền lợi của người dân, theo giá thị trường. Cần tránh bồi thường không thỏa đáng diễn ra tràn lan như vừa qua. Hàng ngàn người bị thu hồi đất để giao cho một số người, rồi phân lô bán giá cao gấp nhiều lần, cho nên người dân rất khó đồng thuận.
Trước đó, nhiều ĐBQH kiến nghị đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội không áp dụng cơ chế thu hồi đất, thay vào đó là cơ chế thỏa thuận. Đồng thời, nên thay quy định “thu hồi đất” bằng quy định “trưng mua”, bởi quyền sử dụng đất phải được coi là một quyền về tài sản, được nhà nước bảo hộ.
Góp ý về chế định chính quyền địa phương, một số ĐBQH cho rằng, Hiến pháp cần xác lập các nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn; phát huy tính tự chủ đối với các chính quyền đô thị.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: