Lễ công bố quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Long Thành năm 2011. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN) |
Bao giờ được di dời? đó là câu hỏi mà hàng ngàn người dân sống trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đặt ra với các cấp chính quyền từ năm 2003. Đến năm 2013, những trăn trở của người dân vẫn chưa nhận được lời giải đáp.
Tiếp xúc với phóng viên, người dân ở xã Suối Trầu (huyện Long Thành) bày tỏ: “Chúng tôi lập nghiệp ở vùng này từ sau năm 1975, phải rời bỏ nơi đây thật sự là điều không ai muốn. Nông dân ít học, sống nhờ ruộng vườn, tái định cư người trẻ có thể làm công nhân, những người lớn tuổi luôn canh cánh nỗi lo không biết làm gì để sống. Tuy nhiên, sân bay là một công trình lớn của Nhà nước, người dân đồng thuận di dời vì sự phát triển chung.”
Suối Trầu là một xã thuần nông, diện tích trên 1.480 ha với khoảng 6.000 nhân khẩu. Nơi đây, nhà ít cũng có 1 hoặc 2ha, nhà nhiều có tới cả chục ha đất trồng điều, cao su… Người dân vùng này vì thế mà thảnh thơi, không phải chật vật lo cái ăn, cái mặc.
Năm 2002, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ra đời, Suối Trầu trở thành xã phải giải tỏa "trắng", cũng từ đây, mọi thứ bắt đầu đảo lộn.
Dẫn chúng tôi đi thị sát tình hình, ông Nguyễn Khắc Ngô (ấp 1, xã Suối Trầu) thở dài: “10 năm rồi cả xã này chưa xây dựng được một công trình mới nào. Đường trong xã toàn đường đất, mùa nắng thì bụi, mùa mưa lầy lội. Trường tiểu học cho trẻ con xây dựng đã mấy chục năm, tường tróc, mái thủng dột; hàng rào cũng không có; cổng trường đổ từ nhiều năm nay nhưng chẳng được sửa sang.”
Theo lời người dân, vì quy hoạch “treo” quá lâu, ở Suối Trầu nhiều người đã bỏ đi nơi khác sinh sống, để lại vô số những ngôi nhà hoang. Ông Ngô giải thích: “Chúng tôi già rồi nên phải bám trụ chờ di dời, chứ những gia đình còn trẻ thì họ đi nơi khác lập nghiệp. Đi là phải, bởi ở đây nằm trong quy hoạch nên mọi thứ đóng băng”.
Đến nay, gia đình chị Lê Thị Thùy Trang (ấp 2) đã mua 5.000m2 đất của bố mẹ mình được hơn 4 năm, đất đã mua nhưng không thể sang tên, làm sổ. Bà Phạm Thị Lành (ấp 2) vì chồng mất nên muốn sang tên đất để bà Lành thừa kế nhưng chính quyền chẳng thể giải quyết. Nhiều gia đình, nhà xập xệ, hư hỏng phải lén lút sửa chữa.
Bà Lê Thị Hồng (ấp 2) buồn rầu kể: "Nhà tôi có 3 ha trồng điều, cây trồng đã lâu năm (hơn 20 năm) nên già cỗi, sâu bệnh thành ra hàng năm thu hoạch chẳng được là bao. Muốn chặt bỏ để trồng cao su từ nhiều năm trước, nhưng sợ chặt rồi, khi bị giải tỏa, cây mới trồng họ không đền bù cho. Tôi không biết mình phải sống bám vào những gốc điều già đến bao giờ?"
Cũng nằm trong dự án sân bay Long Thành, hơn 10 năm nay, khoảng 160 hộ dân ở ấp Xã Hòa, xã Long An (huyện Long Thành) phải sống trong cảnh đi cũng dở mà ở không xong. Hiện 100% đường trong ấp vẫn là đường đất. Một người dân ấp Xã Hòa bức xúc: "Trong những đợt tiếp xúc cử tri, điều mà dân ở đây quan tâm hàng đầu là bao giờ sẽ di dời. Dân cứ thấp thỏm đợi chờ năm này qua năm khác. Có an cư, mới lập nghiệp, cho chúng tôi đến nơi ở mới, tốt, xấu chưa nói nhưng ít ra người dân cũng thoát cảnh sống tạm bợ."
Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long An cho biết tháng 6/2012, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai về làm việc với xã, theo đó, toàn xã Long An sẽ có 600ha phải giải tỏa dành đất xây dựng sân bay Long Thành. Tuy nhiên, việc giải tỏa sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xã có 400ha thuộc ấp Xã Hòa phải giải phóng mặt bằng nhưng những thông tin về thời điểm giải phóng mặt bằng, địa điểm tái định cư chưa có cụ thể.
Cũng theo ông Phương, thời gian qua tại xã Long An đã có những người từ nơi khác đến mua đất nông nghiệp (mua bán bằng giấy viết tay) với giá trên 500 triệu đồng/ha. Ông Phương khẳng định: “Họ mua rồi trồng tràm để chờ đền bù, sau này Nhà nước giải tỏa, với những hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp đang sản xuất, giá trị của diện tích đất sẽ tăng lên hơn gấp đôi.”
Bao giờ xây dựng khu tái định cư, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án sân bay Long Thành? Thắc mắc này không chỉ có người dân mà còn là câu hỏi của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.
Mới đây, trong buổi làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Giao thông-Vận tải, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chất vấn chủ đầu tư là bao giờ sẽ xây dựng tái định cư, giải phóng mặt bằng bởi theo lộ trình dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khởi công vào năm 2015.
Vấn đề giải phóng mặt bằng, theo quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến 4.500 hộ dân (thuộc 6 xã của huyện Long Thành), trong đó có 3.000 hộ phải giải tỏa trắng. Ngoài ra, có nhiều công trình tôn giáo, trường học… cũng phải di dời.
Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020), có 2.500ha với 1.100 hộ dân (có 800 hộ giải tỏa trắng) phải tái định cư nhường đất cho dự án. Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư giai đoạn này là trên 4.200 tỷ đồng (áp giá năm 2010).
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, giải phóng 2.500ha đất ít nhất mất 1 năm trong điều kiện sẵn sàng về vốn và người dân không khiếu nại.
Để đảm bảo công trình triển khai đúng tiến độ, không gây thêm lo lắng cho người dân, Đồng Nai mong muốn chủ đầu tư sớm triển khai giải tỏa, đền bù. Đặc biệt, khi triển khai xây dựng sân bay, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ có những cam kết cụ thể với các nhà thầu, đảm bảo người dân di dời phục vụ dự án có việc làm phù hợp.
Khúc mắc của chính quyền và người dân tỉnh Đồng Nai về dự án sân bay Long Thành vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần sớm hiện thực hóa quy hoạch. Điều này không chỉ giúp công trình khởi công đúng tiến độ mà còn giải tỏa những lo lắng của hàng ngàn người dân./.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: