Top

Dự án nhà ở xã hội: 'Trói' khách bằng tiền đặt cọc

Cập nhật 04/10/2013 11:16

Dù các dự án nhà ở xã hội đã nhận được nhiều ưu đãi nhưng một số chủ đầu tư dự án khi triển khai bán hàng lại đưa ra những điều khoản nhằm “trói” buộc khách hàng mua nhà bằng tiền đặt cọc đang tạo ra rào cản cho những người muốn tiếp cận loại hình nhà ở này.


Xung quanh khu đất nhà ở xã hội 143 Trần Phú - Hà Đông - Hà Nội được quây kín cổng cao tường. ẢNH: ngọc châu.

Nhà trên giấy, đặt cọc ngay

“Để mua được căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội, chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều thủ tục hành chính với nhiều điều kiện khắt khe. Nay chủ đầu tư lại đưa ra điều khoản phải nộp ngay tiền đặt cọc để giữ chỗ thì chẳng khác nào thêm rào cản, thêm những ràng buộc khó khăn cho khách hàng”, anh Nguyễn Hùng Trường, một khách hàng mua nhà tại dự án 143 Trần Phú (quận Hà Đông) cho biết.
“Các quy định hiện nay chưa cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội ký thỏa thuận nhận tiền cọc của khách hàng. Đặc biệt như dự án 143 Trần Phú chưa khởi công, chưa ký hợp đồng thì việc yêu cầu phải đặt cọc tiền lại càng không đúng”.

Ông Vũ Ngọc Đạm nói

Cũng như anh Trường, nhiều khách hàng khi đến tìm hiểu để nộp hồ sơ mua nhà tại dự án trên cũng rất ngạc nhiên trước thông báo của chủ đầu tư yêu cầu phải ký thỏa thuận đặt cọc cùng với việc nộp hồ sơ mua căn hộ. “Đối tượng thuộc diện mua nhà xã hội thường có thu nhập hạn chế, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Vì vậy, việc chủ đầu tư đưa thêm điều khoản về tiền đặt cọc chẳng khác nào họ huy động vốn trước, phải xuống tiền khi mà nhà chưa xây. Hơn nữa, chủ đầu tư nhận cọc nhưng việc xét duyệt và chấm điểm hồ sơ phụ thuộc vào nhiều cơ quan ban ngành khác. Thực sự chúng tôi không biết thế nào mà lần”- Chị Hoàng Thị Quyên, khách mua nhà phân tích.

Qua tìm hiểu, dự án nhà ở xã hội số 143 Trần Phú (quận Hà Đông-Hà Nội) là một trong những dự án nhà ở thương mại được phép chuyển sang nhà ở xã hội đầu tiên của Hà Nội, do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) làm chủ đầu tư. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để khởi công.

Trao đổi về việc này, ông Hoàng Văn Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc Công ty SDU giải thích: Đơn vị đang chờ giấy phép xây dựng để tiến hành thi công xây dựng. Do có nhiều khách hàng đến đặt cọc rồi sau đó lại xin rút hồ sơ về, nên công ty mới có thông báo khách hàng ký thỏa thuận nộp tiền đặt cọc trên cơ sở tự nguyện từ 30 đến 70 triệu đồng để họ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định nộp hồ sơ mua nhà.

Theo ông Anh, dự án này có tổng số 512 căn hộ, sau 2 tháng chủ đầu tư đã nhận được hồ sơ đăng ký xin mua của 366 khách hàng. Chủ đầu tư đã tổ chức thẩm định và chấm điểm số hồ sơ này và chuyển lên Sở Xây dựng. Tuy nhiên, lại có một số khách hàng thay đổi ý định, xin rút hồ sơ. “Để hoàn thành công việc thẩm định hồ sơ, bản thân chủ đầu tư đã phải bỏ rất nhiều công sức để đi xác minh.

Chúng tôi muốn có một sự cam kết từ phía khách hàng, nếu họ không mua nữa sẽ gây rủi ro cho doanh nghiệp. Hơn nữa, dự án đã được ngân hàng phê duyệt cho vay trong gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Và để được giải ngân, chủ đầu tư phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện ràng buộc, trong đó có yêu cầu phải có danh sách khách hàng cam kết mua nhà”- đại diện Cty SDU lý giải.

Chủ đầu tư dự án này cũng cho rằng, đây là số tiền đặt cọc để giữ chân khách hàng trên cơ sở tự nguyện và là thỏa thuận dân sự. Đồng thời, công ty cũng đã lập một tài khoản ở ngân hàng để giữ tiền đặt cọc của khách hàng, cam kết không sử dụng vào mục đích khác. Khi ký hợp đồng mua nhà, số tiền đặt cọc sẽ được chuyển thành tiền đóng đợt 1. Tuy nhiên, nếu khách hàng không mua sẽ mất tiền đặt cọc.

Khó nhọc trút đầu dân

Trao đổi với PV ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, thỏa thuận đặt cọc đối với việc mua bán nhà ở thương mại là thỏa thuận dân sự bình thường và được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, đối với nhà ở xã hội do có đặc điểm riêng nên chưa có quy định nào về hình thức đặt cọc.

“Các quy định hiện nay chưa cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội ký thỏa thuận nhận cọc tiền của khách hàng. Đặc biệt như dự án 143 Trần Phú chưa khởi công, chưa ký hợp đồng thì việc yêu cầu phải đặt tiền cọc lại càng không đúng”- ông Đạm nói. Theo ông Đạm, sau khi nhận hồ sơ của người mua nhà, chủ đầu tư sẽ gửi lên Sở Xây dựng duyệt. Sau 45 ngày công khai không có vấn đề gì thì chủ đầu tư mới được ký hợp đồng với khách hàng.

Như vậy, người quyết định là cơ quan chức năng, nên việc chủ đầu tư “giữ chân” khách hàng bằng tiền cọc đặt như vậy là gây rủi ro cho khách hàng. “Điều kiện mua nhà ở xã hội quy định đã khá chặt chẽ, doanh nghiệp không nên làm phức tạp thêm, vô tình tạo rào cản đối với người nghèo. Hơn nữa, theo tôi đối với dự án có vị trí đẹp như ở số 143 Trần Phú thì chủ đầu tư lo giữ chân khách hàng bằng tiền đặt cọc là thừa”, ông Đạm nhấn mạnh.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cả người mua lẫn người bán loại nhà ở xã hội đều phải tuân theo những điều kiện, quy định bắt buộc, khác với nhà thương mại. “Trường hợp chủ đầu tư yêu cầu thỏa thuận đặt cọc tiền để mua nhà thì cần có cam kết, ràng buộc như thời điểm nào chủ đầu tư phải giao nhà, nếu không giao được thì chủ đầu tư phải bị phạt chứ không thể đẩy tất cả phần khó cho người mua và để tránh rủi ro xảy ra với người mua nhà”, ông Liêm nói.

Cũng theo ông Liêm, việc chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội hiện được nhiều chủ dự án coi như giải pháp thoát khỏi bế tắc đầu ra của sản phẩm, đồng thời tranh thủ cơ hội từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng để tái đầu tư, nên thi nhau chạy đua chuyển từ nhà thương mại sang nhà xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần thiết phải có quy hoạch cụ thể, khảo sát nhu cầu thực tế từng khu vực, địa điểm trước khi cho phép chuyển đổi. “Không chỉ việc các chủ đầu tư nhà ở xã hội yêu cầu khách hàng đặt cọc để muốn ăn chắc do lo sợ thiếu người mua, tồn hàng. Mà hiện nay việc khách hàng nhà thu nhập thấp xin trả lại căn hộ đã mua cũng đặt ra cho cơ quan quản lý phải có điều chỉnh về chính sách cho phù hợp với thực tế”, ông Liêm nói.

Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về điều kiện được mua nhà ở xã hội, trong đó mở rộng các quy định về đối tượng được mua. Thông tin trên vừa được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đưa ra tại buổi giới thiệu Dự án nhà thu nhập thấp tại khu đô thị Đặng Xá 2 (Gia Lâm, Hà Nội). Dự thảo Nghị định mới sẽ cho phép đối tượng có nhà ở, nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 8m2/người (thay vì 5m2/người như hiện nay) được mua nhà ở thu nhập thấp; chính quyền địa phương thay vì xác nhận đối tượng chưa có nhà, sẽ chỉ xác nhận người có hộ khẩu thường trú tại địa phương chưa có nhà tại địa phương...
 

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong