Được khởi công cuối năm 2004, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (Tiền Giang - dài 61,9km) là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Bộ GTVT. Theo đúng kế hoạch ban đầu thì tuyến đường này sẽ hoàn thành cuối năm 2007 nhằm “chia lửa” cho tuyến quốc lộ 1A đi về miền Tây Nam bộ vốn dĩ đang quá tải. Dù đã nhiều lần gia hạn “phải hoàn thành” (lần gần đây nhất là 30-6-2009) nhưng đến nay, khi thời hạn đã cận kề mà công trình vẫn con ngổn ngang và vắng bóng công nhân, vì sao?
Đình trệ do thiếu vốn
Những tưởng sắp đến thời hạn hoàn thành thì trên công trường sẽ nhộn nhịp công nhân thi công hơn nhưng ngược lại, đi dọc theo công trình xây dựng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đang được xây dựng dở dang, chúng tôi ghi nhận chỉ lác đác vài công nhân trên công trường (chủ yếu trông coi nguyên vật liệu là chính).
Khi được hỏi thì họ cho biết: “Công nhân và các thiết bị đã được chuyển đi thi công công trình khác vì công trình hết tiền rồi! Khi nào chủ đầu tư trả hết nợ thì mới tiếp tục thi công được”. Không biết họ thực hư thế nào nhưng quan sát dọc theo công trường đang thi công, chúng tôi nhận thấy nhiều khu vực cỏ đã mọc lên xanh tốt.
Anh Nguyễn Xuân Thủy, ngụ ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh cho biết, mấy tháng nay không thấy công nhân, thiết bị thi công. Hỏi một số người có trách nhiệm thì họ trả lời “có tiền đâu mà làm!”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do công trình thi công kéo dài nên năm 2008, chủ đầu tư xin được điều chỉnh vốn từ 6.555 tỷ đồng lên 9.884 tỷ đồng và đã được Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, đây là dự án thi công ứng vốn nên khi được điều chỉnh tăng thêm trên 3.300 tỷ đồng (khoảng 30% tổng vốn) thì việc bố trí vốn rất khó khăn.
Trước nhu cầu bức thiết phải hoàn thành dự án đúng tiến độ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo chấp thuận tạm ứng vốn từ ngân sách trung ương trong kế hoạch năm 2010 cho Bộ GTVT để hoàn thành dứt điểm dự án trong năm nay.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện tổng số vốn ngân sách đã ứng cho các dự án giao thông thuộc Bộ GTVT quá lớn, trong đó dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đã ứng 6.350 tỷ đồng. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc tiếp tục ứng vốn cho dự án này là khó khăn và chưa phù hợp Luật Ngân sách vì mức ứng trước vượt 20% kế hoạch năm.
Một hướng khác cũng được đưa ra là bán quyền thu phí tuyến đường này cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - đại diện cho Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc (BEDC) để có vốn để tiếp tục thi công.
Trao đổi với chúng tôi, các nhà thầu đều cho rằng, một số khối lượng công việc đã thi công xong nhưng chủ đầu tư lại không có tiền để trả cho nhà thầu. “Điều này bắt buộc chúng tôi phải chấp nhận tốn kém để di chuyển công nhân và thiết bị đi thi công các công trình khác trước. Không thể để máy móc, thiết bị nằm chờ hằng tháng được” - đại diện một nhà thầu cho biết.
Cuối năm 2009: Liệu sẽ xong?
Ảnh chụp tại nút giao với đường
Bông Văn Dĩa (Bình Chánh)
Cuối tháng 3-2009, Sở GTVT TPHCM đã có báo cáo chỉ ra một số hạn chế khi thực hiện dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương khi đi qua địa bàn TPHCM. Cụ thể, nút giao giữa đường Nguyễn Hữu Trí với cầu Chợ Đệm ảnh hưởng về lộ giới và tĩnh không; nút giao giữa đường Bông Văn Dĩa với cao độ đáy hầm thực tế là + 0,73m sẽ bị ngập nước khi bị triều cường hoặc trời mưa; nút giao thông giữa đường Trương Văn Đa với cầu Rạch Tam tĩnh không quá thấp…
Dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có chiều dài 61,9km, từ nút giao với quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh, TPHCM) đến ngã ba Trung Lương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) với mục tiêu rút ngắn khoảng cách và thời gian giữa trung tâm kinh tế TPHCM với vùng ĐBSCL. Đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế về đường cao tốc với vận tốc 120km/g. Dự án khởi công cuối năm 2004, kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2007. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 6.555 tỷ đồng, do thi công chậm nến năm 2008 được điều chỉnh lên 9.884 tỷ đồng. Dự án do PMU Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư và 16 nhà thầu chính thi công.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: