Chiều qua (11-5), tại buổi góp ý bổ sung, sửa đổi cho các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu... do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phản biện đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách trước khi triển khai.
Thiếu vắng ý kiến có tầm
Theo kỹ sư Phạm Phùng Sanh, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP, thời gian qua có không ít công trình cầu đường, trường, trạm, chợ... sử dụng vốn ngân sách được đầu tư xây dựng kém hiệu quả, lãng phí 20%-30%... Nguyên nhân của vấn đề này là cơ quan có thẩm quyền đã không lấy ý kiến phản biện từ những tổ chức, cá nhân có tâm và có tầm trước khi quyết định đầu tư dự án. Có dự án được phản biện nhưng cũng chỉ là hình thức hoặc là nhằm lấy lòng lãnh đạo.
Ông Sanh đề nghị cần đưa vấn đề phản biện dự án trước khi quyết định đầu tư vào các luật về xây dựng, đầu tư, đấu thầu... Các ý kiến phản biện của tổ chức, cá nhân (gồm cả trí thức, kể cả trí thức Việt kiều) cần được chủ đầu tư, cơ quan quyết định đầu tư tôn trọng. Thậm chí các ý kiến phản biện có giá trị, chỉ ra những phương án tối ưu để thực hiện dự án cần được trả thù lao sòng phẳng. “Nếu các dự án được lấy ý kiến phản biện rộng rãi, chắc chắn sẽ ngăn chặn được hàng trăm nhà đầu tư chiếm quá nhiều đất để làm sân golf nhưng thực chất là kinh doanh nhà đất” - ông Sanh nói.
Cho chủ đầu tư cắt hợp đồng
Theo ông Sanh, đấu thầu xây dựng là cần thiết nhưng hiện đã bị biến tướng dưới nhiều hình thức như bỏ giá thầu thấp, chạy thầu, sau đó hạ thấp chất lượng công trình, kê khống các khoản phát sinh. Ông Sanh nghiêng về hướng Luật Đấu thầu cần mở rộng hơn nữa đối với hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng với các dự án sử dụng ngân sách thì vẫn phải lấy đấu thầu làm trọng.
Ông Trang Bảo Sơn, Phó Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, nêu thực tế nhiều dự án muốn làm nhanh nên chủ đầu tư thích chỉ định thầu nhưng khi bước vào thi công, nhà thầu bộc lộ nhiều khiếm khuyết về năng lực kỹ thuật, tài chính. Khi đó, chủ đầu tư rơi vào tình cảnh bỏ nhà thầu thì khó giải quyết các vướng mắc mà hợp đồng đã ký, còn vương thì nặng nợ về tiến độ, chất lượng công trình. Ông Sơn đề nghị Luật Đấu thầu sửa đổi, bổ sung phải quy định chặt chẽ về đấu thầu, chỉ định thầu, trong đó đấu thầu cần được xem trọng như là hình thức kích thích cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu.
Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước, cho rằng Luật Đấu thầu cần tăng thêm quyền cho chủ đầu tư. Như trường hợp nhà thầu thi công vi phạm hợp đồng, kéo dài tiến độ công trình thì chủ đầu tư có quyền cắt hợp đồng và chỉ định nhà thầu khác thi công phần việc còn lại. “Dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè bị kéo dài nhưng vẫn không xử được nhà thầu cũng vì luật chưa quy định” - ông Lê Toàn dẫn chứng.
Nên bỏ phê duyệt thiết kế cơ sở
Theo ông Trần Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, đối với các công trình đầu tư xây dựng của tư nhân, quy định chủ đầu tư phải có thiết kế cơ sở trình cơ quan có trách nhiệm phê duyệt là thêm thủ tục rườm rà nhưng trách nhiệm của người phê duyệt lại không rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, đồng thuận với ý kiến này và cho rằng đối với các dự án do tư nhân bỏ vốn thì nên bỏ luôn việc bắt buộc phải có thiết kế cơ sở. “Nhà nước chỉ nên quản về quy hoạch, kiến trúc, còn thiết kế cơ sở nên để cho chủ đầu tư tư nhân quyết định. Tư nhân, người dân bỏ tiền ra làm công trình, “của đau, con xót” thì họ phải tự lo tìm những đơn vị thiết kế có năng lực, uy tín chứ nhà nước “ôm”, phê duyệt làm chi” - ông Hiệp nói.
Theo ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, các vấn đề được các đại biểu nêu trên đang là những bức xúc lớn liên quan đến tốc độ, sức phát triển đầu tư xây dựng cơ bản và xây dựng dân dụng ở TP.HCM. Đoàn sẽ tập hợp để trình Quốc hội khóa XII sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu... tại kỳ họp thứ 5 tới.
Cần siết lại lao động phổ thông nước ngoài
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa qua các hiệp hội nhà thầu, doanh nghiệp cơ khí, gốm sứ xây dựng, thép Việt Nam... có văn bản gửi Thủ tướng trong đó phản ánh Luật Đấu thầu không quy định cụ thể về sử dụng lao động người nước ngoài dẫn tới việc người lao động phổ thông nước ngoài tràn vào Việt Nam, giành mất cơ hội việc làm của người lao động trong nước. Do đó, dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu lần này cần đưa vào quy định: “Không được sử dụng lao động nước ngoài khi mà lao động trong nước có đủ khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu”.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: