Một số ý kiến cho rằng, cần khôi phục lại niềm tin và thúc đẩy thị trường bất động sản. Đây là chìa khóa hỗ trợ ổn định và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc bơm tiền vực dậy kinh tế không dễ trong khi thị trường trái phiếu vẫn khá trầm lắng.
Thị trường bất động sản Việt Nam được cảnh báo có thể rơi vào tình trạng khó khăn như tại Trung Quốc.
Dồn lực cho bất động sản
Trong báo cáo Cập nhập kinh tế vĩ mô tháng 11 công bố ngày 18/12, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) cho rằng, kinh tế Việt Nam còn đối mặt với khó khăn, với sức mua của người dân không tăng cho dù giá cả hàng hóa ổn định, lạm phát thấp hơn mục tiêu. Xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ, trong khi tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn chỉ tiêu…
Theo World Bank, cần khôi phục lại niềm tin và thúc đẩy thị trường bất động sản. Và đây là chìa khóa hỗ trợ ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Khuyến nghị của World Bank được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản trong cả năm qua. Bởi vậy, ý kiến của WB đáng như một sự cổ vũ cho những nỗ lực mà Chính phủ đang thực hiện.
Nhiều người lo ngại, nếu không quyết liệt thì kinh tế Việt Nam có thể rơi vào khó khăn như Trung Quốc đang trải qua vì một thị trường bất động sản khủng hoảng kéo dài. Doanh số bán nhà tại Trung Quốc giảm, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản không gánh nổi nợ. Tiền giam trong bất động sản ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
Dù vậy, làm sao để vực dậy thị trường bất động sản Việt Nam, để thị trường này hồi phục lại một cách hiệu quả, đóng góp tích cực cho nền kinh tế thì chưa được nhiều tổ chức đề cập tới.
Trong cả năm qua, Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo để tìm ra giải pháp hồi phục thị trường bất động sản.
Trong một công điện mới nhất ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Thủ tướng nhắc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp thiết thực thúc đẩy việc cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Hiện, các doanh nghiệp và thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng, nhất là thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất...
Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền.
NHNN được yêu cầu có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Trước đó, trong Công điện ngày 24/10, Thủ tướng cũng đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất…
Chính phủ cùng với NHNN cũng đã có nhiều buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản lớn như hội nghị tín dụng cho bất động sản ngày 13/11… với sự có mặt của rất nhiều doanh nghiệp địa ốc…
Nắn dòng tiền vào bất động sản, kinh tế như thế nào?
Trên thực tế, thị trường bất động sản và doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn rất khó khăn. Giao dịch trên thị trường địa ốc vẫn khá trầm lắng ở nhiều khu vực trên khắp cả nước. Các doanh nghiệp bất động sản ghi nhận doanh thu giảm, lợi nhuận giảm.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc trở thành những xác sống (zombie) khi ghi nhận doanh thu đạt mức thấp thấp, thậm chí doanh thu 0 đồng với số lượng nhân sự chỉ còn vài người như tại: Đầu tư PVR Hà Nội (PVR), CTCP Thuận Thảo (GTT), CTCP Tập đoàn Tây Bà Nà (VHG)…
Loạt doanh nghiệp bất động sản gần đây bị “gọi tên” vì nợ thuế như Đầu tư Golden Hill, Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC), Đất Xanh Group, Danh Khôi Group, Trường Thịnh Phát Land, Địa ốc Đất Lành…
Vốn ngân hàng bơm ra nền kinh tế, trong đó có nhóm bất động sản cũng tăng trưởng khá chậm.
Theo số liệu từ NHNN, đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 14,5%.
Theo WB, tăng trưởng tín dụng chậm là do đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục suy yếu, một phần liên quan đến tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản, vốn chiếm khoảng 21,6% dư nợ tín dụng vào năm 2022.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu vẫn hồi phục khá chậm. Các doanh nghiệp bất động còn chịu áp lực trả một lượng trái phiếu lớn sắp đến hạn trong năm 2024. Nhiều chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc tạo dòng tiền mới để có thể thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Cụ thể, theo FiinGroup, áp lực nợ trái phiếu đến hạn rất lớn trong năm 2024 là rất lớn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản ghi nhận lượng trái phiếu đến hạn trong năm tới lên đến gần 155 nghìn tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD). Trong đó, giá trị gốc trái phiếu là 122,2 nghìn tỷ đồng và chi phí lãi trái phiếu dự kiến là 32,6 nghìn tỷ đồng.
Gần đây, thị trường bất động sản cũng chứng kiến sự mất cân bằng. Các đại gia bất động sản đổ dồn vào phân khúc giá trị cao như biệt thự, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp… trong khi sản phẩm bình dân cho đa số người dân lại ít.
Đây là dòng sản phẩm sinh lời cao và được các “ông lớn” bất động sản ưa chuộng. Các doanh nghiệp địa ốc nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển các sản phẩm phù hợp với đại đa số người dân.
Trong một thông báo kết luận hôm 18/12, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái thuộc sân sau của tập đoàn, dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Đồng thời đẩy mạnh thanh tra, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại…
Có thể thấy, việc đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn, đúng chỗ, đúng người… có thể sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản và kinh tế phát triển bền vững hơn. Ở chiều ngược lại, việc minh bạch thông tin có thể giúp những người dân dư thừa tiền tìm được những địa chỉ gửi tiền đúng chỗ hơn.
DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: