Top

Mẫu thiết kế điển hình nhà ở xã hội:

“Đòn bẩy” cho việc giảm giá thành

Cập nhật 02/09/2010 10:10


Nhà ở cho công nhân ở Đông Anh. Ảnh: Tuấn Anh
Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội đang khẩn trương rà soát, thu thập, nghiên cứu đánh giá các phương án thiết kế để chọn ra mẫu cho nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở di dân giải phóng mặt bằng và nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố.

Từ đó thống nhất để đưa ra các mẫu thiết kế điển hình sử dụng trong quy hoạch mặt bằng, quy hoạch phát triển không gian và phương án thiết kế kiến trúc. Từ nghiên cứu các mẫu thiết kế điển hình, các cơ quan chuyên ngành sẽ chọn lựa những giải pháp, vật liệu hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian tiến hành các thủ tục, từ đó giảm giá thành xây dựng.

TS Dương Đức Tuấn - Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, việc chọn ra những mẫu thiết kế điển hình sẽ là cơ sở để thực hiện mục tiêu rút ngắn thời gian triển khai các dự án, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa trong xây dựng nhà ở xã hội. Hà Nội cũng đã đề xuất Bộ Xây dựng về việc giảm bớt các thủ tục hành chính. Thực hiện theo quy định tại Thông tư 10, Thành phố chỉ cần chấp thuận chủ trương đầu tư còn chủ đầu tư sẽ tổ chức phê duyệt và thẩm định dự án. Mẫu thiết kế điển hình của Hà Nội sẽ đi theo hai "mảng", thiết kế theo đơn nguyên phục vụ cho công tác quy hoạch và thiết kế căn hộ điển hình.

Từ thực tế triển khai các dự án, nếu không sử dụng mẫu điển hình, mỗi dự án sẽ tốn khoảng 300 ngày (bằng 1/2 thời gian thi công tòa nhà) cho các thủ tục từ lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế sơ bộ đến phê duyệt kết quả đấu thầu. Nếu sử dụng thiết kế mẫu, cơ bản các dự án sẽ chỉ còn lại thiết kế móng cho phù hợp với địa chất của từng khu vực (tối đa 30 ngày). Thời gian tiến hành các thủ tục sẽ rút đi đáng kể, dự kiến là 60%. Bên cạnh đó, chất lượng thiết kế sẽ được đảm bảo, áp lực tâm lý khi phải triển khai gấp cho kịp tiến độ sẽ được giải tỏa. Quan trọng hơn nữa, việc xây dựng nhà ở xã hội theo mẫu điển hình sẽ giúp cho các chính quyền đô thị sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất.

Với một phương pháp triển khai dự án tiết kiệm thời gian như nêu trên, sẽ tỷ lệ thuận với việc giảm bớt kinh phí cho các giai đoạn không cần thiết trong quá trình đầu tư xây dựng như giảm cho chi phí tư vấn khoảng 1,5 - 2% giá thành xây dựng cho một mẫu nhà. Còn nếu áp dụng rộng rãi thì hiệu quả sẽ rất lớn, giảm đáng kể giá thành căn hộ. Tính thống nhất về quy cách, kiểu đáng kỹ thuật trong nhiều giai đoạn xây dựng sẽ tận dụng được nhiều thiết bị vật tư như cốp pha, giàn giáo, sản xuất các cấu kiện định hình trong nhà máy, kích thích các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhà đầu tư có cơ hội đầu tư đúng và kịp tiến độ, khai thác đồng vốn có hiệu quả. Rất nhiều nhà đầu tư đã bị đọng vốn hàng chục tỷ đồng chỉ vì lỡ nhịp khai thác do chậm trễ trong khâu chuẩn bị và thực hiện đầu tư.

Tính chuyên nghiệp, hợp lý, tiện dụng, tiết kiệm trong không gian sử dụng của các thiết kế mẫu điển hình nhà ở xã hội là vấn đề quan trọng mà đến giai đoạn hiện nay cần đặt lên hàng đầu. Đơn giản nhưng tinh tế sẽ tạo ra sản phẩm nhà ở có chất lượng - điều này là kinh nghiệm cần rút ra sau hơn 10 năm xây dựng mô hình nhà chung cư cao tầng. TS Dương Đức Tuấn cho biết, trong công nghệ xây dựng, công nghệ "lõi cứng" của Vinaconex được đề xuất sử dụng trong thiết kế điển hình bởi tính hiệu quả, chất lượng đã được thực tế chứng minh.

Để sử dụng hiệu quả quỹ đất đồng thời thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, Hà Nội nghiên cứu mẫu thiết kế điển hình với quy mô công trình cao tầng, có thang máy. Bộ Xây dựng đã có mẫu thiết kế cho nhà ở xã hội với quy mô từ 6 tầng trở xuống (theo Luật Nhà ở, nhà ở xã hội dạng chung cư không được cao quá 6 tầng). Tuy nhiên, thực tế một số công trình dưới 6 tầng như nhà ở cho công nhân xã Kim Chung, nhà ở cho người thu nhập thấp khu đô thị mới Việt Hưng, chi phí đầu tư giảm đi nhưng lại kém hiệu quả trong khả năng sử dụng đất. Đây là một trong nhưng nguyên nhân khiến doanh nghiệp kém mặn mà với nhà ở xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị