Top

Xây dựng cụm công nghiệp ở các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc:

Đổi mới chính sách để thu hút đầu tư

Cập nhật 09/07/2010 11:10

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã quy hoạch 49 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 8.083 ha và 226 cụm với tổng diện tích 7.013 ha. Trong đó có 115 cụm công nghiệp (CCN) đã thành lập với tổng diện tích là 3.841 ha.


Tính đến tháng 4/2010, đã có 8/14 tỉnh lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2010 hoặc đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Nhìn chung, việc phát triển các CCN của các tỉnh đã bước đầu góp phần phát triển các ngành CN, TTCN trên địa bàn, khắc phục ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động.

Nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà


Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy của các CCN còn thấp (trung bình đạt khoảng 32%). Theo phản ánh của các địa phương, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên hầu hết các CCN chưa xây dựng nhà xưởng để cho các doanh nghiệp thuê. Việc đầu tư hệ thống công trình xử lý nước thải còn bất cập, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các CCN rất chậm do sức hút các nhà đầu tư vào các CNN chưa cao, công tác đền bù GPMB còn vướng mắc, chậm trễ, đơn vị đầu tư hạ tầng còn hạn chế về năng lực, vốn, nhất là các đơn vị sự nghiệp sử dụng vốn ngân sách để đầu tư.

Thêm nữa, hầu hết các CCN đều nằm ở các vị trí không thuận lợi về giao thông (xa các tuyến giao thông trọng điểm); địa bàn nông thôn, nơi hạ tầng công nghiệp (đường, điện, nước, bưu chính viễn thông, thị trường…) chưa phát triển. Công tác giải phóng mặt bằng triển khai không đồng bộ và kịp thời, còn lúng túng trong cách vận dụng. Đặc biệt, đầu tư vào CCN cần lượng vốn rất lớn nhưng thu hồi rất chậm vì chỉ có nguồn thu cố định từ cho thuê lại đất, phí hạ tầng và các dịch vụ khác, vì vậy hiệu quả kinh tế không cao nên ít hấp dẫn nhà đầu tư. Đó là chưa kể, công tác quản lý, theo dõi, triển khai quy hoạch chưa được tổ chức hợp lý, việc lập quy hoạch các CCN đang thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, nhiều CCN có cơ sở hạ tầng không hấp dẫn, tính khả thi không cao.

Điều này đã dẫn đến tình trạng số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu khá nhiều nhưng không giữ chân được họ. Từ thực tế trên cho thấy, xây dựng và phát triển CCN đang trở thành vấn đề cấp bách, đặc biệt trong giai đoạn phát triển khu vực nông thôn hiện nay.

Đổi mới chính sách để thu hút đầu tư

Theo các chuyên gia, để việc thu hút đầu tư vào CCN có hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trên cơ sở những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và có sự thống nhất cao, có sự gắn kết giữa xây dựng CCN với đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực. Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cho rằng, điều quan trọng là phải hoàn chỉnh cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN với cơ chế ưu đãi hợp lý.

Phải lựa chọn nhà đầu tư thực sự có đủ tiềm lực để xây dựng hạ tầng nhanh chóng và đồng bộ. Công khai quy trình, thủ tục, danh mục dự án vận động đầu tư, nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, quy định rõ về chính sách ưu đãi và các ràng buộc nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết với tỉnh.

Ông Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cũng cho rằng, cần tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút các tập đoàn lớn có tiềm lực về vốn, công nghệ, thương hiệu. Nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án xây dựng CCN ở địa bàn khó khăn về kinh tế xã hội. Việc thu hút đầu tư nên theo hướng doanh nghiệp mạnh bỏ vốn đầu tư hạ tầng và sẽ hoàn vốn bằng cách được ưu tiên thuê đất theo cơ chế sử dụng quỹ đất đầu tư cơ sở hạ tầng và cho các nhà đầu tư khác thuê lại mặt bằng để sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, cần đổi mới giá cho thuê lại đất, phí dịch vụ và vốn đầu tư xây dựng, điều chỉnh khung giá chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, nên đặc biệt chú trọng các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho các CCN. Các bộ, ngành liên quan cũng cần hỗ trợ các địa phương trong việc cung cấp thông tin về các đối tác, giúp địa phương tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước.

Với mục tiêu tập trung phát triển các khu, CCN trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị và dịch vụ, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục thu hút đầu tư, lấp đầy các khu, cụm, điểm công nghiệp trên cơ sở lựa chọn và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, cụm cơ sở sản xuất công nghiệp đã có quy hoạch.

Được biết, hiện nay nhiều địa phương đang thực hiện cơ chế: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ban quản lý sẽ phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ GPMB, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch. Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy hoạch phát triển, hợp tác để tăng tính đồng bộ, giảm lãng phí thất thoát do đầu tư dàn trải; giảm chi phí và thời gian cho DN, phát huy tốt cơ chế "một cửa"; cung ứng lao động chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển ổn định, hiệu quả.

Trong 2 năm 2008-2009, Chương trình Khuyến công quốc gia đã hỗ trợ 3,869 tỷ đồng để lập quy hoạch chi tiết CCN cho 16 đề án. Con số này sẽ là 2,414 tỷ đồng trong năm 2010. Bên cạnh đó, năm 2010, ngân sách trung ương cũng hỗ trợ 162 tỉ đồng cho 28 cụm công nghiệp của 8 tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh, cho đến nay, mới có 5 tỉnh đã phân bổ cho 16 cụm với tổng kinh phí là 29 tỉ đồng, chiếm 17,9% so với tổng kinh phí phân bổ của Trung ương (còn 3 tỉnh là Lào Cai, Thái Nguyên và Tuyên Quang chưa phân bổ nguồn vốn hỗ trợ này).


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Công Thương