Trước tình hình thị trường bất động sản đang có nhiều chuyển biến tích cực, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về cơ hội và dự báo diễn biến của thị trường trong năm 2015.
* Thị trường bất động sản đang đón nhận nhiều nguồn vốn đầu tư như vốn FDI, kiều hối, tín dụng… Ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp nhận của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2015?
Bên cạnh nỗ lực của các ngân hàng trong nước đẩy mạnh cho vay, năm 2014, lượng kiều hối chuyển về nước khá dồi dào (ước hơn 11 tỷ USD); vốn FDI vào bất động sản khoảng 2,54 tỷ USD... là những động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục hồi phục trong năm 2015. Đi kèm với đó là sự cởi mở, thông thoáng của các quy định pháp luật mới cho phép các nhà đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
|
Để có thể tiếp nhận một cách hiệu quả các nguồn vốn trên, về phần mình, các doanh nghiệp bất động sản cần nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch và chất lượng sản phẩm.
*
Thị trường đang có kỳ vọng về việc giải quyết cơ bản số căn hộ tồn kho trong năm 2015. Liệu điều này có khả thi?
Với lượng hàng tồn kho còn khá lớn cùng nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình thế khó khăn, thì nhận định năm 2015 sẽ giải quyết cơ bản được toàn bộ số hàng tồn kho bất động sản là thách thức quá lớn so với thực tế.
Ngoài chính sách của Nhà nước, việc giải quyết hàng tồn kho bất động sản còn phụ thuộc nhiều vào năng lực, sự nỗ lực của chính các chủ đầu tư, doanh nghiệp đang có hàng tồn kho lớn.
Bên cạnh đó, nhiều dự án mới với các sản phẩm phù hợp với thị trường hơn, giá cả hấp dẫn hơn cũng đang được hình thành. Đây là thách thức với các doanh nghiệp muốn sớm giải quyết hàng tồn kho của mình.
*
Có gì đáng chú ý trên thị trường bất động sản năm nay, thưa ông?
Với sự nỗ lực của Nhà nước, hàng loạt các quy định, văn bản quy phạm pháp luật mới ra đời nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững. Nhờ đó, năm 2015 được kỳ vọng là năm đầu tiên đánh dấu sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản sau 6 năm ảm đạm. Các giao dịch sẽ sôi động hơn, thanh khoản tăng, giá cả ổn định, chất lượng cũng như đặc điểm hàng hóa sẽ có sự thay đổi phù hợp với nhu cầu của thị trường, tính minh bạch tăng lên và quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo hơn.
Tuy nhiên, để những kỳ vọng trên trở thành thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ ban hành trong thời gian tới; việc tiếp thu các bài học từ thực tiễn; sự nỗ lực chung, bền bỉ của tất cả các thành tố trên thị trường...
Các chủ thể tham gia thị trường hiện kỳ vọng lớn vào những quy định theo hướng mở rộng đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam; quy định cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng một phần dự án bất động sản; quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản… Các quy định này tạo điều kiện cho nhiều phân khúc của thị trường bất động sản phục hồi và phát triển.
*
Ông khuyến cáo gì với các chủ đầu tư dự án bất động sản trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp phải được xác định rõ ràng, chủ đầu tư cần xác định rõ phân khúc thị trường, khách hàng mục tiêu và chiến lược giá của sản phẩm...
Khi đưa sản phẩm ra thị trường là nhà đầu tư đã phải xác định rõ mục tiêu lợi nhuận cũng như cam kết phải thực hiện với khách hàng; không nên vì một chút lợi nhuận từ việc tăng giá bán bất thường, mà đánh mất lòng tin của khách hàng. Hiện tượng một số chủ đầu tư, nhà môi giới tìm cách tăng giá, tạo nên “sốt ảo”, chạy theo lợi nhuận nhất thời sẽ đánh mất lòng tin của khách hàng và làm giảm tiến trình phục hồi thị trường bất động sản.
Thị trường phải từng bước chuyên nghiệp hơn, muốn thế, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng nên xác định rõ lĩnh vực chuyên sâu của mình, không thể “làm tất, ăn cả”. Tức là, một doanh nghiệp không thể làm mọi công đoạn đầu tư, kinh doanh bất động sản từ việc phát triển dự án, đầu tư đến phân phối, tư vấn, quản lý vận hành... Làm như vậy sẽ thiếu tính chuyên nghiệp và giảm tính minh bạch.
Một vấn đề nữa là, ai cũng đều biết thu nhập của người dân còn thấp hơn nhiều so với giá bán bất động sản. Trong khi tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân còn chậm, thì việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm góp phần vào quá trình giảm dần khoảng cách giữa giá bất động sản với khả năng thực tế của người mua là rất cần thiết.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: