Thời gian gần đây, liên tục những đề xuất, kiến nghị được đưa ra từ phía các cơ quan chức năng nhằm tìm hướng hỗ trợ thị trường bất động sản. TBKTSG Online ghi nhận ý kiến của một vài doanh nghiệp trong lĩnh vực này
Ông Nguyễn Quang Nam - Ảnh TTVN |
Ông Nguyễn Quang Nam, Tổng giám đốc CFTD: Đúng ra phải giải cứu từ 6 tháng đến 1 năm trước
Những quyết sách giải cứu, theo tôi, đúng ra phải đến sớm hơn hoặc là từ cách đây 6 tháng, hoặc một năm về trước. Hiện tại, những chính sách giải cứu đó mới chỉ là đề xuất, và không biết đến khi nào mới có thể áp dụng được vào thực tế. Trong khi đó, từ trước đến nay, nhiều lần cơ quan nhà nước đề cập, nhưng để ra được thực tế có thể làm ảnh hưởng, biến chuyển của hị trường thì cũng rất lâu, thậm chí chưa thấy được tính tích cực của nó.
Cụ thể, trong những chính sách giải cứu có chính sách bơm tiền để giải cứu thị trường bất động sản, bằng cách hỗ trợ người mua, thì bơm như thế nào, ai bơm, người mua phản ứng như thế nào và thực sự có đến được với người mua để người ta đi mua nhà hay không.
Ông Nguyễn Văn Đực - Nguồn: Người lao động |
Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành: Đã bắt đúng bệnh nhưng chưa kịp thời
Những giải pháp mà phía cơ quan chức năng đang bàn luận và đề xuất hiện đã bắt đúng “bệnh” nhưng chưa kịp thời. Hiện “cách trị” đã trễ một năm nên hậu quả rất khó lường.
Trước mắt, các cơ quan chức năng nên tập trung vào hai giải pháp mà trước tiên là hỗ tợ lãi suất cho người mua nhà. Nếu lãi suất được hỗ trợ ở mức hợp lý, thời gian lâu dài và ổn định thì người dân mới dám chi tiền để mua nhà thời điểm này.
Thứ hai, cơ quan chức năng cũng nên nhanh chóng hoàn thiện quy định, chính sách cho chủ đầu tư chia nhỏ căn hộ, xây dựng nhà diện tích nhỏ. Sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị có thể chia nhỏ căn hộ, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Hơn nữa, cũng cần phải xây dựng những quy định, chính sách về những vấn đề liên quan một cách ngắn gọn và dễ dàng.
Hơn nữa, dù hoàn thiện những chính sách quy định về những vấn đề liên quan cho việc chia nhỏ căn hộ, đầu tư căn hộ diện tích nhỏ cần phải ngắn gọn và dễ dàng.
Bởi, doanh nghiệp chúng tôi rất sợ độ trễ trong quá trình xin phép thủ tục để có được giấy phép đầu tư thi công. Thông thường phải mất khoảng 6 tháng mới có thể xin giấy phép thi công, cộng thêm từ 2 đến 3 tháng cho việc sửa chữa và chia nhỏ căn hộ; nếu như quy định và thủ tục được hoàn thiện từ đầu năm 2013, thì phải cuối năm 2013 mới có căn hộ diện tích nhỏ đi vào thực tế. Như thế là quá trễ.
Như vậy, bên cạnh quyết tâm rồi, thì thủ tục hay những hướng dẫn cụ thể phải được đẩy nhanh. Nếu không có những quy định thì chính sách cứu trợ chỉ mang tính nửa vời.
ông Nguyễn Ngọc Thành-Ảnh Thoa Nguyễn |
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và phát triển đầu tư Hải Phòng: Không thể khoác “áo mới” cho dự án.
Doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn với tính khả thi của những đề xuất, kiến nghị, bởi qua các phương tiện thông tin thì đây mới chỉ là quan điểm mang tính riêng biệt mà chưa phải là những ý kiến thống nhất.
Mâu thuẫn đỉnh điểm tại thị trường bất động sản chính là mất quan hệ cung - cầu, từ đó dẫn tới tồn đọng và nợ xấu trong thị trường này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trên. Hiện tại, chúng ta đang phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường, thị trường sẽ tự điều tiết quan hệ cung cầu, dẫn dắt nhà đầu tư hướng theo xu thế đó. Tuy nhiên, những chính sách, quy định lại chủ yếu quan tâm tới phân khúc nhà có diện tích rộng hoặc bán với giá cao, trong khi chính sách cho nhà giá rẻ chưa được quan tâm nhiều.
Để có thể tháo gỡ và đưa thị trường hoạt động theo đúng quy luật, chúng ta phải chủ động về mặt chính sách phát triển, như chủ động trong quy hoạch tạo ra quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thay vì trích từ quỹ đất của các dự án thương mại như hiện nay. Nếu tiếp tục sử dụng một số phần trăm trong quỹ đất nhà ở thương mại để xây nhà xã hội, thì việc phát triển nhà ở xã hội sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào dự án thương mại. Cách tháo gỡ căn bản là phải tạo ra được nguồn cung dồi dào ở những phân khúc được người tiêu dùng quan tâm, mới mong tạo ra sự điều tiết trên thị trường.
Không thể khoác cho dự án một “cái áo mới” mà phải tạo ra dòng sản phẩm mới để tạo cân bằng.
Ông Phạm Trung Hà, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Hòa Phát: Cần phải song song chính sách hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà.
Những đề xuất tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bằng việc hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản có thể coi là điểm sáng để tháo gỡ hàng tồn kho, không chỉ của riêng bất động sản mà cả những doanh nghiệp sản xuất sắt, thép, xi măng.
Tuy nhiên, tháo gỡ cho người bán không thì chưa đủ, mà phải tháo gỡ cho người mua nhà là những người tiêu thụ sản phẩm đó. Với những đối tượng này, nên hỗ trợ cho họ có thể được vay với lãi suất vay ưu đãi, ổn định, trong khoảng thời gian dài để người dân tin tưởng và tham gia được
Rất nhiều báo cáo tại thời điểm này cho thấy người dân vẫn có tiền, tuy nhiên họ chưa mặn mà tham gia vào thị trường, vì người ta lo ngại khoản vay mua nhà sẽ phải vay trong dài hạn, nhưng mức lãi suất chỉ được hỗ trợ ngắn hạn trong thời gian ngắn ban đầu.
ông Nguyễn Quốc Hiệp-Nguồn: GP Invest |
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest): Nếu đi vào cụ thể, chính sách hỗ trợ không phải đã gỡ được nhiều cho doanh nghiệp.
Những quyết sách, động thái của Chính phủ làm thị trường có thêm được niềm tin, kể cả phía doanh nghiệp và người dân. Về phía doanh nghiệp, lo ngại là từ chính sách đến thực hiện còn cả một khoảng cách.
Thực tế Chính phủ đang nghiêng về giải quyết nhà ở xã hội và nhà thu nhập thấp… mà cái đang “chết”, đang nằm tồn kho lại nằm ở phân khúc căn hộ cho người có thu nhập trung bình hoặc nhà giá cao. Đó cũng là cái khó của những chính sách hỗ trợ. Nếu đi vào cụ thể từng dự án thì những chính sách hỗ trợ chưa phải là giải quyết được thấu đáo; không phải là đã gỡ được nhiều cho doanh nghiệp.
Cái mong muốn trước hết để giúp cho doanh nghiệp là trước mắt giảm 5% VAT cho người mua nhà. Nếu làm được điều này, Chính phủ đã cùng doanh nghiêp hạ giá thành sản phẩm, người mua có điều kiện tiếp cận gần hơn với sản phẩm.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nên có những nghiên cứu những cụ thể để có thể giãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp bất động sản.
Còn các giải pháp khác, chủ yếu thích hợp cho các dự án hoặc là ở rất xa, hoặc là có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Trong khi đó, một số dự án khu vực nội đô hiện nay đã giảm giá thành xuống mức thấp nhất nhưng cũng không thể dưới 15 triệu đồng được mà chỉ có từ 17 đến 18 triệu đồng/m2.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: