Top

DN BĐS Cần Thơ gặp khó do quyết định ký quỹ 3%

Cập nhật 21/09/2013 08:49

Nhiều ý kiến từ phía Hiệp hội bất động sản và các nhà đầu tư cho rằng, quyết định càng tạo thêm gánh nặng cho DN trong thời điểm nhiều dự án bị đóng băng như hiện nay.

Nhằm sàng lọc nhà đầu tư, tránh tình trạng “xí phần” rồi không thực hiện dự án gây khó khăn cho người dân, cuối năm 2012 TP Cần Thơ ra quyết định các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn phải ký quỹ 3% tổng mức đầu tư.

Quyết định nhằm nâng cao trách nhiệm chủ đầu tư, đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên qua hơn nửa năm thực hiện, đã có nhiều ý kiến từ phía Hiệp hội bất động sản và các nhà đầu tư cho rằng, quyết định càng tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, nhiều dự án bị đóng băng như hiện nay.     

Dự án bất động sản Nam Long - Hồng Phát ở khu Nam Cần Thơ triển khai cách đây gần 5 năm. Đến nay, dự án hoàn tất hơn 80% khâu giải phóng mặt bằng, thông qua quy hoạch 1/500 và đang trong quá trình thiết kế kết cấu hạ tầng. Theo quyết định mới, chủ đầu tư phải ký quỹ 3% trên tổng vốn gần 300 tỷ đồng, tương đương gần 9 tỷ đồng.


Ông Lê Minh Thẩm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Long chi nhánh Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành một giai đoạn rất dài nhưng chưa nhận được chứng nhận đầu tư. Sau khi nhận được chứng nhận đầu tư chúng tôi phải ký quỹ, việc này càng khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”.     

Cuối năm 2012, Thành phố Cần Thơ ra quyết định ký quỹ đầu tư đối với những dự án có sử dụng quỹ đất, với mức 3% trên tổng vốn đầu tư, đối tượng áp dụng là các dự án đầu tư mới hoặc dự án kéo dài nhiều giai đoạn. Số tiền ký quỹ sẽ được được hoàn trả lại theo từng giai đoạn khi bắt đầu triển khai dự án. Tuy nhiên nhiều đơn vị như Trung tâm Phát triển quỹ đất, Hiệp hội bất động sản Cần Thơ cùng các doanh nghiệp cho biết, mức giá này còn khá cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.

Theo ông Nguyễn Văn Dược, Phó Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Cần Thơ: “Hiện nay nhiều doanh nghiệp kêu khó, vẫn đang chờ đợi chính sách mới của thành phố. Chưa có nhiều doanh nghiệp dám đầu tư”.

Giới doanh nghiệp nhìn nhận, việc ký quỹ là chủ trương phù hợp, nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư, tuy nhiên cần sàng lọc kỹ dự án nào đã triển khai, chưa triển khai, tiến độ hoàn thành cũng như năng lực của chủ đầu tư... để có thể áp dụng chế tài phù hợp. Tránh tình trạng các đơn vị đã và đang có dự án trên địa bàn gặp khó khăn khi thực hiện hoàn tất các dự án.    

DiaOcOnline.vn - Theo VTV