Top

Diện tích nhà, đất bao nhiêu sẽ bị đánh thuế lũy tiến ?

Cập nhật 14/01/2008 08:00

Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà tiết lộ, Bộ Xây dựng đang dự kiến, hạn mức sở hữu nhà cho một hộ gia đình khoảng 100m2, trên mức đó thuế suất lũy tiến được đề nghị ở mức 130 - 200%.

Chấn chỉnh thị trường bất động sản

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, việc giá văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng đột biến ở một số khu vực, một số dự án tại Hà Nội và TP.HCM thời gian qua chứng tỏ sự phát triển thiếu ổn định, không bền vững của thị trường bất động sản (BĐS), mà nguyên nhân sâu xa của nó là việc quản lý yếu kém.
 
Tại những khu vực giá BĐS tăng đột biến, phổ biến xảy ra tình trạng nhà đầu tư ghìm hàng không đưa ra thị trường nhằm đẩy giá lên cao. "Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu và soạn thảo Nghị định xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BĐS trong quý II/2008; đồng thời sẽ phải tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh BĐS" - ông Hà cho biết.

Hiện tại UBND các tỉnh, TP gần như bỏ trống, không kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, nâng giá xảy ra trên địa bàn theo thẩm quyền. "Việc này sẽ phải được chấn chỉnh trong thời gian tới khi các địa phương thực hịên chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ" - ông Hà khẳng định.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường BĐS hiện nay, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, là do đa số các địa phương chưa quan tâm tới việc đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho một số đối tượng thu nhập thấp thuê hoặc thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở. "Hầu hết các dự án đều nhắm đến đối tượng khách hàng có tiền, suất đầu tư lớn, căn hộ cao cấp trong khi 70 - 80% dân số có thu nhập trung bình và dưới trung bình" - ông Hà nói.

Theo Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong Chỉ thị 01/2008/CT-TTg về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển và quản lý thị trường BĐS, Bộ Xây dựng sẽ nhanh chóng soạn thảo và đưa ra một số quy định nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án; các tiêu chuẩn, định mức suất đầu tư tại các dự án nhà ở. "Dứt khoát sẽ có quy định thống nhất việc chủ đầu tư phải đầu tư đa dạng các loại căn hộ khác nhau để phục vụ nhu cầu của các đối tượng khác nhau trong cùng một dự án" - ông Hà nhấn mạnh.

Một cán bộ thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, Bộ này cũng sẽ sớm đưa ra cơ chế để "lọc" chủ đầu tư các dự án nhà ở, khu đô thị mới được giao đất, cho thuê đất nhằm lựa chọn các chủ đầu tư có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và chế tài cụ thể đối với những trường hợp chậm triển khai dự án, không đảm bảo tiến độ dự án. "Chắc chắn sẽ có quy định cụ thể về việc chủ đầu tư như thế nào thì được thực hiện những loại dự án nào?", vị lãnh đạo này nói. Minh bạch trong hoạt động của các chủ đầu tư là yêu cầu đầu tiên mà các nhà quản lý muốn hướng tới.

Diện tích nhà, đất bao nhiêu sẽ bị đánh thuế?

Đây là câu hỏi "nóng" và khó trả lời nhất trong thời điểm hiện nay, đặc biệt khi mà Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, chủ sử dụng có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng, nhằm hạn chế đầu cơ ngay trong quý I/2008.

Hiện tại đang có nhiều quan điểm về sửa đổi mức thuế nhà đất nhưng đều thống nhất nhau ở một điểm rằng, mức thuế (đất) hiện hành - khoảng 40.000 đồng/m2/năm đối với đất đô thị - là quá thấp. Theo kiến nghị của Bộ Xây dựng, mức thuế này phải tăng lên ít nhất là 4 - 5 lần. "Tôi cho rằng, mức thuế này quan trọng nhất là phải xác định theo vùng, vị trí. Đối với khu vực nông thôn có thể không nên đặt vấn đề đánh thuế nhà đất bởi vì thuế đất nông nghiệp chúng ta cũng còn đang miễn", ông Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ quan điểm. Tương tự, thuế suất sở hữu nhà ở cơ bản cũng đang được đề nghị ở mức 30.000 đồng/m2/năm.

Trước khi tính đến việc đánh thuế lũy tiến thì các bộ ngành liên quan cũng đang được giao để đề xuất hạn mức nhà và đất ở. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hạn mức sử dụng đất ở hiện tại do UBND tỉnh, TP quy định, căn cứ điều kiện từng địa phương nhưng cơ bản ở mức 100 - 250m2/hộ. "Nhưng khi đặt vấn đề đánh thuế lũy tiến thì nên quy định hạn mức đất, nhà ở theo nhân khẩu", Phó vụ trưởng Vụ Đăng ký - Thống kê (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đỗ Đức Đôi đề nghị.

Chưa có quyết định cuối cùng, nhưng Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà tiết lộ, Bộ Xây dựng đang dự kiến, hạn mức sở hữu nhà cho một hộ gia đình khoảng 100m2, trên mức đó sẽ phải nộp thuế lũy tiến; thuế suất lũy tiến được đề nghị ở mức 130 - 200%.

Theo Thanh Niên