Top

Dịch vụ bảo hiểm các công trình xây dựng: Đua nhau giảm phí, bất chấp rủi ro

Cập nhật 03/09/2007 10:00

Mỗi năm, cả nước có thêm hàng ngàn công trình xây dựng lớn mới, dịch vụ bảo hiểm các công trình xây dựng, lắp đặt cũng vì thế phát triển mạnh theo. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về bảo hiểm, thị trường này đang tiềm ẩn những rủi ro lớn do tình trạng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang cạnh tranh bằng cách giảm phí, có thể dẫn đến việc các hãng tái bảo hiểm từ chối chi trả nếu xảy ra sự cố.

Theo trưởng phòng của một hãng bảo hiểm lớn trong nước, trên thị trường dịch vụ bảo hiểm xây dựng, lắp đặt, tình trạng cạnh tranh bằng cách giảm phí đang diễn ra một cách đáng lo ngại. Theo quy định, để thực hiện một hợp đồng dịch vụ bảo hiểm xây dựng cho các công trình có vốn đầu tư trên 50 triệu USD, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước (nhà bảo hiểm gốc) buộc phải thu xếp việc tái bảo hiểm với các doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài có mức độ tín nhiệm nhất định nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho dự án.

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đã chào phí thấp hơn cả mức phí của công ty tái bảo hiểm. "Chào mức phí thấp như vậy là do các doanh nghiệp bảo hiểm tự cắt đi các phần chi phí hoạt động của mình và coi như không có lợi nhuận. Họ đơn giản chỉ nhằm giành được hợp đồng, có doanh thu", cán bộ của hãng bảo hiểm trên nói. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ nếu có các sự cố dẫn đến các doanh nghiệp phải bồi thường, các nhà tái bảo hiểm có thể sẽ từ chối thanh toán do hợp đồng của nhà bảo hiểm gốc với khách hàng không đúng tiêu chuẩn. Điều này khiến cả khách hàng và công ty bảo hiểm gốc có thể sẽ phá sản. Nguy cơ này càng lớn nếu biết rằng phần lớn trong số 22 doanh nghiệp bảo hiểm đã tham gia thị trường này có số vốn điều lệ không quá 300 tỉ đồng. Đó là con số khá nhỏ bởi lẽ một công trình nhà máy xi măng có quy mô bình thường cũng đã có giá trị đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. "Thậm chí, chúng tôi biết là hiện nay Bộ Tài chính đã kiểm tra làm rõ một công ty bảo hiểm lớn còn không thực hiện tái bảo hiểm đúng quy định", vị Trưởng phòng nói trên tiết lộ.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (VINARE), dịch vụ bảo hiểm xây dựng, lắp đặt trong khoảng 10 năm qua luôn là loại hình bảo hiểm có mức thu lời lớn do những rủi ro, tổn thất xảy ra với các công trình xây dựng là không nhiều. Do đó, có rất nhiều công ty kinh doanh bảo hiểm muốn tham gia vào thị trường này. Để cạnh tranh, chiến lược được nhiều công ty bảo hiểm mới áp dụng là "giảm giá", kể cả chấp nhận phi kỹ thuật để giành thị phần. Các công ty này có lẽ không nhận thức được rằng chỉ cần một vụ tổn thất lớn xảy ra thì phí bảo hiểm tích lũy và lời lãi của cả 10 năm cũng không đủ chi trả bồi thường. Trong khi các công ty bảo hiểm mới thành lập thường chưa có tích lũy cho quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm cho rằng vai trò của chủ đầu tư công trình trong việc mua loại hình bảo hiểm này cũng rất quan trọng. Thực tế, nhiều khi do thiếu hiểu biết về bảo hiểm hoặc do sức ép về giảm chi phí, các chủ đầu tư thường yêu cầu hạ phí đến mức thấp nhất. "Ở các nước, chủ đầu tư thường thuê tư vấn hoặc ủy quyền cho các công ty môi giới bảo hiểm. Công ty môi giới này cũng không thu tiền trực tiếp từ chủ đầu tư mà lại nhận hoa hồng từ công ty bảo hiểm. Như vậy, chất lượng về dịch vụ bảo hiểm được lựa chọn, đảm bảo hơn", ông Lộc nói.

Bộ Tài chính cần có nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong lĩnh vực này để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có thể dẫn đến những hậu quả xấu trong tương lai.

Theo Thanh Niên