Top

Đền bù giải tỏa, đừng để “chân ngoài dài hơn chân trong”

Cập nhật 31/08/2007 08:00

Để thu hồi được đất, một số nơi (trong đó có TP.HCM) phải trả một khoản tiền “cộng thêm” (gọi là hỗ trợ) cho người dân, điều đó vượt ra ngoài qui định chung của pháp luật.

Tuy vậy, vẫn có một bộ phận người dân không hài lòng, khiếu kiện. Trong chuyện này cả nhà đầu tư, người dân, Nhà nước đều khổ. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đặt vấn đề như vậy khi làm việc với TP.HCM sáng 30 - 8.

Ông Nguyễn Đức Kiên nói tới đây cần những qui định, chính sách để đền bù giải tỏa không xảy ra tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”, hạn chế phần “nối dài” qui định ở các địa phương. Cách “cộng thêm” đó còn làm khó cho dự án lân cận, những địa phương liền kề.

Tại TP.HCM, khoản “hỗ trợ cộng thêm” này đôi khi cao hơn tiền đền bù. Tại dự án khu đô thị Thủ Thiêm, nếu tiền đền bù chỉ 150.000 đồng/m2 thì tiền hỗ trợ lên đến 180.000 đồng/m2. Phó chủ tịch UBNB TP Nguyễn Hữu Tín đã nêu một số bất hợp lý trong qui định đền bù, giải tỏa hiện nay.

Chẳng hạn đã qui định bồi thường theo giá thị trường trong điều kiện bình thường (rất khó xác định) nhưng song song đó lại có khung giá tối đa, như vậy rất khó thực hiện. Bất hợp lý nữa, theo ông Tín, là khi đền bù thì tính giá đất theo mục đích sử dụng hiện tại (thường là đất nông nghiệp), giá rất thấp. Sau đó đầu tư, chuyển sang đất ở, giá rất cao, tạo ra khoảng chênh lệch khá lớn giữa trước và sau giải tỏa. Chính vì đền bù chưa hợp lý, chưa thỏa đáng nên nhiều nơi phát sinh chuyện khiếu nại, khiếu kiện.

Trước tình trạng chênh lệch lớn giá đền bù giữa các dự án phải trả theo giá Nhà nước qui định và các dự án kinh doanh theo giá thỏa thuận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đặt vấn đề có nên tồn tại song song hai phương thức đền bù này không, hay chỉ chọn một trong hai?

Lãnh đạo UBND quận 2 chia sẻ nếu tất cả các loại dự án đều theo giá thỏa thuận thì các dự án của Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong đầu tư, trong tạo lập quĩ đất. Ngược lại, nếu chọn tất cả các dự án đền bù theo khung giá nhà nước qui định sẽ đứng trước áp lực không được sự đồng thuận của người dân và áp lực của tình trạng khiếu kiện cũng sẽ nặng nề hơn.

Theo Anh Đủ, Quốc Thanh - Tuổi Trẻ