Top

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:

Đến 2020 hoàn thành 580km đường bộ cao tốc

Cập nhật 14/02/2011 10:40

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Sắp tới sẽ có nhiều đường cao tốc ở khu vực phía Nam - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Về vận tải, mục tiêu phát triển đến năm 2020, đáp ứng được nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý; phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logictics; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bánh sắt và xe buýt tại các đô thị, đặc biệt là TP.HCM.

Khối lượng vận tải hành khách đạt khoảng 1,3-1,4 tỉ lượt khách/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 8-9%/năm, trong đó khách hàng qua cảng hàng không đạt khoảng 25 triệu khách. Lượng hàng hóa đạt khoảng 500-550 triệu tấn/năm, tốc độ tăng bình quân 7-8%/năm...

Về kết cấu hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành khoảng 580km đường bộ cao tốc; đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh và mở mới một số tuyến cần thiết; tiếp tục phát triển giao thông nông thôn với 80% được cứng hóa mặt đường.

Hoàn thành nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP.HCM; xây dựng đường sắt kết nối với các cảng biển, khu kinh tế lớn; mở mới các tuyến đường sắt kết nối nội vùng và đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào thời điểm thích hợp.

Đồng thời nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng biển, từng bước nâng cấp, mở rộng đáp ứng lượng hàng hóa thông qua trong từng thời kỳ; tập trung xây dựng một số bến cảng nước sâu tại các cụm cảng Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM. Cải tạo nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa.

Nâng cấp các cảng hàng không hiện có để đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn I cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đến năm 2030, thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; cơ bản hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; đồng thời tiếp tục phát triển các công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.

Theo quy hoạch phát triển vận tải được duyệt, tổ chức vận tải hợp lý trên một số hành lang chủ yếu gồm: hành lang TP.HCM - phía Bắc là hành lang quốc gia, quốc tế đóng vai trò kết nối vùng với phía Bắc. Hành lang TP.HCM - đồng bằng sông Cửu Long là hành lang vùng, quốc gia.

Hành lang TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu là trục hành lang vùng, quốc tế kết nối với cảng biển đầu mối quốc tế và là trung tâm du lịch biển của vùng; hành lang Hồ Chí Minh - Lộc Ninh - Campuchia; Hồ Chí Minh - Mộc Bài - Campuchia là trục hành lang quốc gia, quốc tế nằm trong mạng đường xuyên Á; Hồ Chí Minh - Tây nguyên.

Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng các trục đường cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 1.941km với quy mô xây dựng từ 4-8 làn xe; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 78km quy mô 6 làn xe; cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69km quy mô 6-8 làn xe; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 55km quy mô 4-6 làn xe; cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt dài 189km với quy mô 4 làn xe; cao tốc Bắc - Nam phía tây là đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 3) với quy mô từ 4-6 làn xe; xây dựng các tuyến đường quốc lộ chính (quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 51, 55...).

Đồng thời cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có, xây dựng các tuyến đường sắt mới: đường sắt đầu mối TP.HCM, đường sắt tốc độ cao Biên Hòa - Vũng Tàu dài 79km, nghiên cứu xây dựng mới các tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, tuyến Dĩ An - Lộc Ninh và kết nối Campuchia, tuyến đường sắt vào cảng khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Đình - Sao Mai...

DiaOcOnline.vn - Theo Sở QH-KTTPHCM