Top

Đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng

Cập nhật 24/04/2014 06:48

Ngày 22/4, Bộ Xây dựng đã có tờ trình số 22/TTr-BXD trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.

Bộ Xây dựng đề xuất kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm.

Kéo dài hời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân lên 15 năm

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã được Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt triển khai đã phát huy tác dụng bước đầu trong năm 2013 và quý I/2014.

Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng. Ngày 18/4/2014, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản lần thứ 13, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng tổng hợp ý kiến của các đại biểu tham dự, soạn thảo và trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mở rộng đối tượng, điều kiện được vay vốn từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng nêu tại Nghị quyết 02/NQ-CP, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở và tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo tờ trình, Bộ Xây dựng kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh sửa đổi một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn đồng tỷ đồng tại Nghị quyết số 02/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm.

Mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá); Các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng chưa đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, lũ được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; Các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không vượt quá 840 triệu đồng (80%x1,05 tỷ đồng); Các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 07/01/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ).

Bộ Xây dựng cũng đề xuất bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước được phép tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung theo Chỉ thị 2196/CT-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản; không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án KĐTM trong năm 2014 (trừ các các dự án nhà ở xã hội; nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; dự án cải tạo nhà chung cư cũ). Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải báo cáo cụ thể với Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thị trường có nhiều tín hiệu tích cực

Cũng tại tờ trình, Bộ Xây dựng cho biết: Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ- CP, đến nay thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng trên địa bàn cả nước đã có phản ứng tích cực. Cơ cấu nguồn cung nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Niềm tin của khách hàng đối với thị trường đang dần được hồi phục. Phân khúc nhà ở xã hội và những căn hộ nhà ở thương mại có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và có tính thanh khoản cao, tiêu thụ tốt.

Đầu năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, lượng giao dịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tại Hà Nội đã có khoảng 2.300 giao dịch thành công (tăng gần 2 lần so với cùng thời kỳ năm 2013), đặc biệt là những dự án nhà ở thương mại có giá bán hợp lý, diện tích nhỏ, vị trí thuận lợi và đáp ứng tiến độ thi công. TP HCM có khoảng 1.300 giao dịch (tương đương cùng thời kỳ năm 2013).

Giá cả nhà ở đã có dấu hiệu chững lại sau thời gian giảm giá liên tục. Thậm chí có một số dự án tại Hà Nội và TP HCM có xu hướng tăng giá nhẹ. Tại một số địa phương khác, như tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), có sự tăng giá đối với phân khúc đất nền.

Tồn kho bất động sản trên toàn quốc đã giảm dần từ tháng 3/2013. Lượng tồn kho căn hộ chung cư giảm khá nhiều, đặc biệt là chung cư có diện tích nhỏ.

Tình hình tín dụng bất động sản hiện nay so với thời điểm 31/12/2012 đã có sự chuyển biến. Cho vay trong lĩnh vực bất động sản đang thay đổi theo hướng tích cực hơn. Các ngân hàng đã cho vay trở lại các dự án KĐT, xây dựng sửa chữa nhà cửa. Thuế và phí liên quan đến lĩnh vực bất động sản có xu hướng tăng.

Thị trường bất động sản ấm trở lại cũng tác động tích cực đến thị trường vật liệu xây dựng. Tồn kho xi măng cả nước tháng 3/2014 giảm 96,96% so với tháng 02/2014. Tổng 4 tháng năm 2014, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa ước đạt 15,5 triệu tấn, tăng 7,5% so với 4 tháng năm 2013.

Cũng theo Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước có tổng số khoảng 4.015 dự án, với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng; tổng diện tích đất theo quy hoạch 102.228ha; tổng diện tích đất xây dựng nhà ở theo quy hoạch 36.076 ha; tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch 2.354ha; tổng diện tích nhà ở theo quy hoạch 461.767.000m2 sàn (2.947.105 căn).

Đến hết quý I/2014, trên địa bàn cả nước đã có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 38.897 căn hộ; 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 33.867 căn hộ xin điều chỉnh thành 44.881 căn hộ (tăng 11.014 căn hộ).

Về kết quả giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, tính đến hết ngày 15/4/2014, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết là 3.365,9 tỷ đồng, tổng dư nợ là 1.699,4 tỷ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 3.962 hộ với số tiền là 1.504 tỷ đồng; đã giải ngân cho 3.941 hộ (chiếm 99,5%) so với số hộ đã được cam kết với số tiền là 975,7 tỷ đồng (chiếm 65%) so với số tiền đã được cam kết.

Đối với tổ chức, các Ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 21 dự án với số tiền là 1.862 tỷ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng