Top

Để thành phố “đàng hoàng” hơn

Cập nhật 08/08/2009 11:35

Ảnh: Đức Trí

Vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, trên sân khấu nhiều tụ điểm ca nhạc, trên sóng phát thanh, truyền hình ở TP.HCM, thường âm vang một ca khúc: “Sài Gòn cô tiên năm 2000”. Một trong nhiều ước mơ gửi gắm cho hai mươi năm sau, hy vọng về một Sài Gòn sẽ lấp lánh, lộng lẫy như tiên.

Hy vọng ấy có thể đã bắt nguồn từ một thực tế hiển nhiên, một thực thể đô thị từng được tôn vinh danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông” của nhiều năm trước, lung linh bên dòng sông cùng tên. Và hy vọng ấy cũng thể hiện lòng tin vào một tất yếu khi cả dân tộc nhất tề đứng dậy, hy sinh xương máu, giành bằng được Độc lập - Tự do qua hai cuộc chiến tranh ròng rã, giành bằng được quyền xây dựng đất nước mình, cho nhân dân mình những thành phố “Đàng hoàng hơn - To đẹp hơn”.

Những năm 80 ấy, nhiều con đường trung tâm còn rợp bóng cây xanh. Những hàng me cổ thụ, những hàng dầu vút cao trùm bóng, lan tỏa một làn ánh sáng xanh dịu trên các con đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Phạm Ngọc Thạch v.v... và nhiều con đường khác nữa.

“Con đường Duy Tân cây dày bóng mát / Buổi chiều công viên mây trời xanh ngắt”…, người thành phố từng hát như vậy về những con đường của mình, những công viên của mình, và hy vọng về một tương lai, về một hòn ngọc, một cô tiên sẽ tái hiện vào năm hai ngàn, rực rỡ hơn, lấp lánh hơn, xanh tươi hơn khi sánh vai cùng nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới?

Không phải hai mươi năm sau mà dài hơn thế, lâu hơn thế. Đã hơn ba mươi năm, Sài Gòn - TP.HCM không trở thành một “cô tiên” như mong ước, mà về cảnh trí, xem ra, hình như lại kém cả “ngày xưa”.

Vẫn những con đường cũ - không thể mở rộng vì không thể giải tỏa hàng loạt - nhưng xen cấy dày đặc là những tòa cao ốc thích cánh chen vai, phô trương, không cái nào ăn nhập với cái nào. Đường Đồng Khởi, một trong những con đường xưa vào hàng đẹp nhất của Sài Gòn cũ, nhà cửa xinh xắn, sang trọng, đường nhỏ, cây xanh bóng phủ, che mát khách bộ hành.

Thành phố đã nhiều lần nhấp nhổm muốn thay đổi, biến thành đường đi bộ. Nhưng đi bộ sao được khi hàng loạt khách sạn quốc tế cao tầng đang tranh nhau ken dày hai bên con đường nhỏ. Đã là khách sạn quốc tế thì có người nước ngoài lưu trú. Khách quốc tế đi xe hơi, đường nhỏ, xe ngày càng nhiều, làm sao đi bộ?!

Nhiều con đường cây dày bóng mát xưa kia, nay phải chém ngọn, đoạn cành dành không gian cho dây điện. Dây điện treo được thì cáp viễn thông ăn theo. Dù có tăng giá thuê cột, dù có tạm thời tém gọn, thì trung tâm TP.HCM, dưới chân những tòa cao ốc tưởng như chẳng kém ai kia vẫn là một mớ bòng bong hệ thống kỹ thuật mà không biết nên gọi là hạ tầng hay thượng tầng cho đúng với hình ảnh “rác trên trời” như một số báo chí vẫn gọi.

Cũng trên đường Đồng Khởi vốn có một vườn hoa nhỏ, hiếm hoi, chỗ dừng chân nghỉ mệt cho khách bộ hành uống ly nước, ăn ly kem, nhưng gần đây, một doanh nghiệp, có thể đã “mạnh vì gạo - bạo vì tiền” rào ngay lại, xây một cao ốc to đùng, không biết nay mai xây xong có trả vườn hoa lại cho người dân thành phố?

Hơn ba mươi năm trước, khi còn là một “cô gái lọ lem”, điện nước chưa đủ dùng thì trời mưa đường phố cũng không thành sông, thành biển như hiện nay, nhất là khu trung tâm Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ. Các nhà khoa học cảnh báo, có đào đường, dựng lô cốt, gây ách tắc giao thông năm này, tháng khác, tiêu hết 400 triệu USD vay mượn, ngập vẫn hoàn ngập vì số liệu dùng làm căn cứ cho bài toán chống ngập là số liệu cũ, đã lạc hậu!

Không phải Sài Gòn không có thiên nhiên để tổ chức thành đô thị có cảnh quan đẹp. Sông Sài Gòn chuyển dòng, uốn lượn nhiều lần qua địa bàn thành phố như mỏi mòn chờ đợi. Vậy mà đã hơn ba trăm năm kể từ ngày Nguyễn Hữu Cảnh định dinh, hơn sáu mươi năm kể từ ngày người Pháp kết thúc chế độ thuộc địa, ba mươi tư năm sau ngày chúng ta làm chủ Đất nước, làm chủ thành phố, người Sài Gòn vẫn chỉ được hưởng hơn 1km cảnh quan bờ sông phục vụ cho đời sống hằng ngày! Những dòng kinh đan xen, giăng mắc từ thuở còn trong xanh, truyền hơi thở phập phồng của đại dương đến từng ngõ ngách, ngày càng nhiễm bẩn trầm trọng, dù được báo động từ lâu!

Chiều, những buổi chiều nóng nực, một số cư dân thành phố bước đầu có thói quen rủ nhau ra cầu Thủ Thiêm vừa mới xây xong - do chưa có đường dẫn nên lượng xe cộ lưu thông chưa được như cầu Sài Gòn - để ngắm cảnh, hóng gió. Đứng trên cây cầu mới, gió hiu hiu, tầm mắt được mở rộng, phóng cái nhìn sang hai bờ, không biết nên mừng hay nên lo? Đất hai bên sông dường như đã hết, đã được rào dậu kỹ càng, coi như đã có chủ.

Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh mới mở được vài năm, những cao ốc tranh thủ lấn sát bờ sông vươn cao sừng sững, biến dòng sông ngày nào mênh mông có khả năng trở thành một con kinh hẹp! Khả năng một con đường đi bộ, một công viên dọc hai bờ cho người Sài Gòn ý thức về tư cách chủ nhân một dòng sông đẹp, ứng xử lịch thiệp như người Hà Nội, dẫn bạn ra hồ Gươm, hồ Tây thưởng ngoạn thiên nhiên, giới thiệu một cảnh quan sông nước đặc sắc độc nhất vô nhị của thành phố quê hương, liệu có còn chút nào hy vọng?

Những năm gần đây, Sài Gòn bắt đầu nếm mùi ngột ngạt của một đô thị lớn. Không một khoảng trống nào khả dĩ mà nhà đầu tư không bằng mọi cách len vào bằng mọi thủ đoạn, chính đáng có, gian dối có. Quá nhiều kiến trúc chen chúc đua nhau mọc lên trong khu trung tâm ngày càng trở nên chật chội. Ngẫu hứng có thừa, chỉ thiếu thẩm mỹ, cái thẩm mỹ của một không gian đô thị có tổ chức, có văn hóa.

Không phải người dân thành phố không yêu thiên nhiên. Ngày nghỉ cuối tuần, những dịp lễ tết, thôi thì tạm gác những lo toan thường nhật, những bộn bề của cuộc sống, người Sài Gòn đua nhau đi tìm một góc mây trời cho bản thân, cho gia đình, tìm một chút đổi thay, dù là ngắn ngủi, tạm bợ để giảm căng thẳng, tìm kiếm chút gió lành, một không gian yên tĩnh, để lấy sức tiếp tục cuộc vật lộn với đời sống đô thị ngày càng khó khăn.

Gần thì sang bên kia sông, quận 7, quận 8, thả diều, câu cá, xa hơn thì xuống Cần Giờ, Vũng Tàu hít thở gió biển, có điều kiện thì ra Phan Thiết, Nha Trang, người giàu có thì đi đổi gió tận Phuket, Pattaya, Chiang Mai, Bangkok… và xa hơn nữa.

Có đi xa vào một ngày nghỉ để lúc trở về, đến địa đầu thành phố, chạm mặt trạm thu phí xa lộ mới cảm nhận rõ chất lượng môi trường sống đô thị những năm gần đây ngột ngạt như thế nào.

Thật ra, không phải thành phố không cố gắng. Một nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trở thành công viên Lê Văn Tám là một thành công. Một công viên 23/9, dù chưa hoàn chỉnh, cũng là một nỗ lực. Một Đầm Sen, một Suối Tiên, ngày lễ tết phục vụ bà con ngoại thành và là mô hình cho nhiều thành phố khác rút kinh nghiệm, thêm vào bên một vườn hoa Tao Đàn, một Thảo Cầm Viên có từ thời Pháp thuộc.

Tuy vậy, tất cả những cố gắng ấy đều trở nên ít ỏi, không thấm vào đâu so với tốc độ gia tăng dân số, tốc độ các công trình cao tầng xen cấy, gia tăng sức ép lên hệ thống đường nhỏ bé, chật hẹp vốn chỉ đủ đáp ứng lưu lượng giao thông ít ỏi ở khu vực trung tâm. Kẹt xe là căn bệnh trầm kha, di căn sang nhiều lĩnh vực khác. Đất đô thị, ở khu vực trung tâm vàng cũng không sánh nổi. Chỉ có thần kinh phân lập mới đi làm vườn hoa.

Ngày 23-6 vừa qua, tại Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM và nhà tư vấn Nhật Nikken Seikei đã báo cáo “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến 2025” trước các bộ, ngành trung ương xin thẩm định để chuẩn bị trình Thủ tướng.

Theo báo cáo: “…phạm vi nghiên cứu lần này được mở rộng ra bảy tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ vùng. TP.HCM sẽ là đô thị hạt nhân và có bốn đô thị vệ tinh (bao gồm thành phố Biên Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Nhơn Trạch, Tam Phước, Hiệp Phước, Tây Bắc) và các đô thị đối trọng phía Đông Nam, Đông, Bắc và phía Tây Nam xung quanh…”.

“…Khu nội thành cũ sẽ được cải tạo, chỉnh trang trên cơ sở gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, giải tỏa, xây dựng lại các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch và khu phố, di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoại thành…” (Nguồn: Huyền Vũ - Tạp chí Quy hoạch Xây dựng - Bộ Xây dựng - Số 39.2009 - trang 36).

Bỏ qua văn phong quen thuộc đến nhàm chán của một thứ tư duy giáo trình xưa cũ, người thành phố khát khao một ứng xử “Đời” hơn, “Thực” hơn về những gì sát sườn hơn của cuộc sống vốn rất Đời và rất Thực.

Như vậy là cũng giống thủ đô Hà Nội, quy hoạch chung thành phố thuê tư vấn nước ngoài. Các công trình cao ốc, đặc biệt trong khu trung tâm - bộ mặt tiêu biểu của một thành phố - do nước ngoài đầu tư, kiến trúc sư nước ngoài thiết kế, tính toán. Trong kinh tế đô thị, phần này hoàn toàn không nhỏ, kiến trúc sư Việt “đi chỗ khác chơi”, vẽ nhà cho dân, chạy về các tỉnh, tự an ủi: “Đến thủ đô và nhà Quốc hội còn thuê nước ngoài thì việc thành phố đẹp hay xấu đâu có do mình!”. Thôi thì nước ngoài lo phần kiến trúc thì ta làm cống, làm đường, né nhánh cây mùa mưa bão, vẽ nhà dân, miễn là có việc để làm.

Cách làm đô thị như thế, To - Đẹp hơn? Cũng có thể. Nhưng Đàng hoàng hơn thì chưa chắc. Nhất là ứng xử!

Thôi! Nâng ly! Dzô! Chăm phần chăm! Giới kiến trúc vốn hồn nhiên. Cũng vui vậy!!! (KTS Nguyễn Trọng Huấn)


DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài gòn Cuối tuần