Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đưa ra giải pháp nêu trên trước những lo ngại về một thị trường ngầm của nhà ở giá thấp.
“Với những ưu đãi như vậy, chúng tôi dự tính giá nhà cho người thu nhập thấp tối đa khoảng sáu triệu đồng/m2, còn lại là trên dưới năm triệu đồng. Nếu căn hộ 50-70 m2 thì giá sẽ trên dưới 300 triệu đồng/căn”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết tại buổi họp báo công bố nghị quyết và các quyết định Chính phủ vừa ban hành cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp (nhà ở giá thấp) tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, sinh viên vào chiều qua (27-4).
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi của báo chí xung quanh nhà ở giá thấp đã được ông Nam trả lời, Pháp Luật TP.HCM lược ghi.
Sẽ có xin-cho, nhờ vả, thỏa thuận ngầm
* Thưa ông, nhà ở giá thấp sẽ do nhà nước thẩm định giá bán. Nhưng thực tế thì người mua sẽ phải trả một giá ngầm, cao hơn giá được công khai. Có quy định nào chặn được việc này?
+ Nhà ở giá thấp được làm bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được bán, cho thuê. Việc mua bán, cho thuê được thực hiện bằng giao dịch dân sự giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, ở loại nhà này nhà nước có hỗ trợ (đất, vốn vay - PV) nên nhà nước cần có sự can thiệp nhất định, cụ thể là thẩm định giá bán trên cơ sở giá bán do doanh nghiệp tính toán.
Nhà ở giá thấp không bị khống chế số tầng, cộng với những ưu đãi như vậy, chúng tôi dự tính giá tối đa khoảng sáu triệu đồng/m2, còn lại là trên dưới năm triệu đồng. Nếu căn hộ 50-70 m2 thì giá sẽ trên dưới 300 triệu đồng/căn.
Ban đầu nhà giá thấp đưa ra thị trường ít, người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà lại đông. Cung chưa đủ cầu nên sẽ có chuyện xin-cho, nhờ vả, thỏa thuận ngầm. Chúng ta phải lường trước điều này. Tuy nhiên cũng rất khó kiểm tra, chỉ hạn chế tối đa tiêu cực, còn loại bỏ 100% thì khó. Theo tôi, để hạn chế việc này cần đẩy nhanh số lượng nhà cho người có thu nhập thấp, có nhiều nhà thì cung cầu gặp nhau, hạn chế tiêu cực. Cùng với đó, cần có sự giám sát chung của xã hội.
Nhà đầu tư phải có trách nhiệm xã hội*
Làm sao để doanh nghiệp kinh doanh nhà ở dành ra 20% quỹ đất của dự án, khu đô thị để làm nhà ở giá thấp, vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của doanh nghiệp?
+ Các doanh nghiệp đều không thích quy định này. Tuy nhiên, nhà đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại đã được hưởng lợi từ nhà ở thương mại thì phải có trách nhiệm với người có thu nhập thấp.
Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương quy định không cụ thể quỹ đất này giao cho ai, cơ quan nào nên nhiều doanh nghiệp bớt 20% đất trong dự án rồi để đó. Riêng Hà Nội hiện có trên 100 ha loại đất này đang để cho cỏ mọc. Nhiều địa phương khác lại sử dụng sai mục đích: luật quy định dùng làm nhà ở xã hội nhưng lại làm nhà tái định cư.
Theo quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị cũng đồng thời là chủ đầu tư đối với nhà ở giá thấp xây trên diện tích đất 20% bớt lại đó. Như vậy, doanh nghiệp sẽ quy hoạch và đầu tư đồng bộ. Trong trường hợp chủ đầu tư đó không muốn làm thì giao lại cho UBND TP. Khi đó, đất sẽ được giao cho doanh nghiệp khác để làm nhà cho người thu nhập thấp theo cơ chế hiện hành.
Với cơ chế xây nhà cho người có thu nhập thấp mới ban hành thì các doanh nghiệp đều rất phấn khởi và có động lực để làm. Vì doanh nghiệp được hưởng 10% lợi nhuận, được quản lý quỹ nhà đó: bán hoặc cho thuê. Quy định trước đây bó doanh nghiệp khá nhiều.
Ưu tiên trước hết cho cán bộ, công chức*
Chính sách phát triển nhà giá thấp sẽ có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản, thưa ông?
+ Tất nhiên sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản (BĐS). Nhiều nguồn vốn sẽ đầu tư vào mảng nhà ở này, lượng nhà ở giá thấp sẽ tăng lên đáng kể, bổ sung hàng hóa cho thị trường BĐS. Người thu nhập thấp sẽ có thị trường nhà của mình. Thị trường có nhiều nhà ở giá thấp sẽ làm giảm sức ép giá cả lên phân khúc nhà ở thương mại. Giá nhà ở mức trung bình được kéo xuống. Cung cầu thật hơn. Như vậy, phát triển nhà ở giá thấp sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS cả về lượng và chất.
*
Vậy phải hiểu như thế nào là người có thu nhập thấp, thưa ông?
+ Thu nhập thấp là không có khả năng tự lo chỗ ở cho mình, không có khả năng mua nhà ở thương mại với giá thị trường. Với những người này thì nhà nước phải giúp đỡ. Trước hết là ưu tiên cho cán bộ, công chức, sau đó mới mở rộng ra đối tượng khác ở khu vực đô thị. Lực của chúng ta có hạn nên không thể cùng lúc lo nhà cho tất cả người có thu nhập thấp ở đô thị.
*
Cảm ơn ông.DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: