Top

Để công trình trọng điểm không... lỗi hẹn

Cập nhật 12/03/2009 14:50

Năm 2009, thành phố Cần Thơ có tổng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) 3.000 tỷ đồng; trong đó, xác định có 21 công trình trọng điểm và nhiều công trình cấp bách còn được Chính phủ cho phép chỉ định thầu. Tuy nhiên, để đạt được tiến độ kế hoạch và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm gần như cùng lúc, là không đơn giản...

Năm 2008, thành phố Cần Thơ có tổng mức vốn XDCB được phân bổ hơn 2.164 tỷ đồng. Nhưng việc giải ngân rất ì ạch do không có khối lượng thực hiện. Công tác bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng lúng túng thật sự... Tháng 7/2008, Thủ tướng Chính phủ về làm việc với thành phố thì kết quả giải ngân vốn XDCB của Cần Thơ mới đạt 16,5%. "Đầu tư hạ tầng như vậy quá yếu, vốn nhà nước, trái phiếu Chính phủ mà chúng ta làm vậy thì làm sao giải quyết việc làm, đời sống... Làm như vậy là có lỗi với nhân dân" - Thủ tướng nói trong cuộc gặp với lãnh đạo Cần Thơ.

Nỗ lực cải thiện

Chủ tịch UBND thành phố Trần Thanh Mẫn, tâm sự: Sau thời gian ngắn tìm hiểu công việc đã thấy phải thay đổi cách làm, phải thiết thực, quyết liệt và cụ thể hơn mới có thể cải thiện tình hình. Không riêng gì Cần Thơ, nhiều nơi khác cũng "vướng" công tác đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng... Nhưng ta phải tự lo. Vì thế một mặt, ông "đòi" các sở Tài chính, KHĐT và Kho Bạc phải bám sát tiến độ hoạt động của từng dự án, công trình, và lên lịch "sát sườn", cứ ba ngày phải một lần trực tiếp báo cáo kết quả cho Chủ tịch thành phố; nếu có khó khăn gì là lập tức tìm giải pháp tháo gỡ ngay. Mặt khác, ông chỉ đạo chuyển hai dự án khu dân cư - đô thị do nhà đầu tư không có năng lực đã quy thời gian luật định để triển khai ngay hai dự án với tổng số 2.000 nền tái định cư ở địa bàn quận Ninh Kiều.

Nhờ nỗ lực ráo riết và quyết liệt trong 6 tháng cuối năm 2008, đến 31/12, kết quả giải ngân thanh toán đã được cải thiện, đạt 79,57% - một tỷ lệ vượt trội so với nhiều tỉnh, thành bạn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất, thậm chí được coi là mâu thuẫn của phát triển đó chính là các vấn đề dân sinh xã hội. Bởi muốn thực hiện dự án thì phải di dời, giải tỏa... mà đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng để tạo đất sạch, lâu nay vẫn là "trận đồ bát quái".

Thách thức ở phía trước


Để tháo gỡ bớt khó khăn của thành phố, Chính phủ cho phép Cần Thơ được chỉ định thầu nhiều gói thầu, như: gói cầu Bình Thủy, cầu Rạch Ngỗng thuộc dự án Mậu Thân - sân bay Trà Nóc hay cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, và 4 gói thầu trị giá 470 tỷ đồng ở công trình đường nối Cần Thơ - Vị Thanh.

Trở ngại về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn còn đó. Các hộ dân trong vùng ảnh hưởng dự án chưa mấy nơi nhận thức được việc "nhường" mảnh đất đang sống yên ổn để đến nơi ở mới là nhẹ nhàng, vui vẻ. Di dời nơi cư trú lâu năm và chấp nhận cuộc sống xáo trộn là vấn đề không đơn giản. Nhiều trường hợp, kể cả đã tiếp nhận đầy đủ thông tin cần thiết cũng vẫn bâng khuâng, lo lắng. Cũng có không ít trường hợp các hộ dân bức xúc, khiếu nại, kiện tụng nhưng hầu như chưa được tôn trọng đúng mức, chưa được giải quyết hợp tình, hợp lý. Và cũng có cả những trường hợp "lạm dụng" chính sách, "ngoéo tay" với bộ phận viên chức thi hành công vụ để trục lợi... Phức tạp này còn kéo dài, nếu chưa tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhất.

Trong một động thái khác, một quan chức ngành giao thông, tâm sự: Chúng tôi là chủ đầu tư nên biết rõ nhà thầu nào mạnh, yếu. Là người mua sản phẩm nhưng chúng tôi không được quyền quyết định và trả tiền đúng địa chỉ... Cách làm cũ là phải thanh toán cho Cty mẹ, nhưng họ lại không "rót" cho người trực tiếp bán sản phẩm (trực tiếp thi công) mà điều tiết theo kế hoạch của Cty mẹ; thế là đơn vị thi công "nằm ỳ". Quy chế đấu thầu cũng bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến "nhầm lẫn" năng lực nhà thầu. Có "anh" tên tuổi là thật đó nhưng đã "già nua" và thiếu thích ứng trong bối cảnh thị trường. Đó là chưa nói đến mặt bằng "sạch" - lâu nay, vì chuyện này mà khiến cho công trình bị ngâm, bị kéo dài, dài mãi...

Về tuyến đường 6,7 km nối ngã ba Mậu Thân-sân bay Trà Nóc, tại cuộc họp báo lệ quý II/2008, một lãnh đạo sở GTCC cho biết: Sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, một lãnh đạo khác của sở GTCC cho biết: thời hạn trên chỉ dành cho việc thi công "nửa dọc" tuyến đường, phần còn lại sẽ "về đích" cùng giai đoạn II của công trình nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, tức giữa năm 2010. Nhận định về thời gian thi công công trình trọng điểm này, vị quan chức cho biết: Trong khi khẩn trương thi công phần nền hạ ở những đoạn mặt bằng sạch thì vẫn còn phải chờ được bàn giao nốt mặt bằng. "Khó có thể đoan chắc điều gì khi công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa kết thúc" - ông nói.

Theo cam kết của Sở GTVT TP Cần Thơ trong trả lời ý kiến cử tri tại kỳ họp HĐND cuối năm 2008, hàng loạt công trình do sở này phụ trách sẽ hoàn thành trong 2009. Cụ thể, các cầu trên tỉnh lộ 923: cầu Ông Đề, Rạch Chuối, Rạch Kè hoàn thành đầu quý I; cầu Cái Sơn, Rau Răm, Trà Niền hoàn thành đầu quý II; cầu Tràng Tiền hoàn thành quý III/2009.


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp